Ông Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị đấu thầu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong năm 2023, Bệnh viện Chợ Rẫy đấu thầu khoảng 200 gói thầu, tỷ lệ thành công khoảng 80%, 20% không lựa chọn được nhà thầu. Trong đó có nguyên nhân như không có giấy lưu hành sản phẩm đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế nhóm C, nhóm D.
Ông Tài nhấn mạnh, vật tư y tế tiêu hao là loại hàng hóa đặc thù sử dụng trực tiếp cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, nên yêu cầu kỹ thuật sử dụng đòi hỏi phải cụ thể, chi tiết tính năng kỹ thuật, chất liệu, nhưng nếu mô tả cụ thể thì lại được xem là hạn chế nhà thầu.
Do đó, đối với bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối thì nên được phép mô tả cụ thể chi tiết tính năng kỹ thuật, và cho phép được yêu cầu cung cấp hàng mẫu trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu để đánh giá đối chiếu với tài kiệu kỹ thuật của hàng hóa xem có đáp ứng với yêu cầu của bệnh viện trong điều trị cho bệnh nhân hay không.
Mặc khác, trong thực tiễn, sau khi trúng thầu thì có một số mặt hàng bị gián đoạn cung cấp hoặc hàng hóa không phù hợp với công tác điều trị buộc phải phạt hợp đồng và dừng hợp đồng để thực hiện đấu thầu lại. Gần đây nhất là các mặt hàng dây truyền máu, kim luồn... do bệnh viện không có hàng, chờ đấu thầu lại nên nhiều bệnh nhân phải tự mua bên ngoài.
Với tình huống này, ông Tài kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư đề xuất cơ chế chi trả khi người có thẻ bảo hiểm y tế tự mua thuốc, vật tư trong việc đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, hóa chất xét nghiệm cung ứng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như xây dựng yêu cầu kỹ thuật (cấu hình, chức năng, tính năng, thông số yêu cầu chuyên môn của người dùng) là khâu quan trọng nhất của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, nhưng rất dễ bị gây "khó dễ" bởi thanh tra, điều tra vì cho rằng định hướng thầu, gây hạn chế nhà thầu, chỉ định thầu sai quy định. Trong khi chưa có văn bản quy phạm nào hướng dẫn cụ thể cách xây dựng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu.
Cũng chưa có quy định cụ thể về hình thức tham khảo cấu hình, chức năng, tính năng, thông số thiết bị y tế của các hãng, mức độ tham khảo và áp dụng đến đâu để không bị quy vào "định hướng thầu". Quy định các hãng thông tin công khai như thế nào...
Đối với máy móc thiết bị kỹ thuật cao, hiện nay các bệnh viện rất e ngại khi đặt ra yêu cầu kỹ thuật của thiết bị mà chỉ 1 - 2 hãng đáp ứng được, dễ bị đặt dưới góc nhìn theo hướng "hạn chế nhà thầu", "chỉ định thầu sai quy định", bị đưa vào "tầm ngắm" của thanh tra, điều tra.
Để an toàn cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế thì các bệnh viện công chỉ dám đặt ra các cấu hình, chức năng, tính năng, thông số chuyên môn cơ bản, mang tính phổ biến, nhiều hãng đáp ứng được.
"Thực tiễn nếu như thế này thì viễn cảnh là càng ngày các bệnh viện công càng thua xa các bệnh viện tư về mức độ hiện đại của trang thiết bị y tế, khoảng cách từ 5 - 10 năm", bác sĩ Phạm Thanh Việt nói.
Quan trọng hơn, bác sĩ Việt cho biết, nghị quyết 30 và thông tư 14 gỡ vướng về đấu thầu, mua sắm cho các bệnh viện đã hết hiệu lực từ 31/12/2023. Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1/1/2024 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Điều này đã tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng cho các bệnh viện.
Bao giờ bệnh viện mới được tính đúng tính đủ trong giá viện phí?
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Tài chính kế toán cho rằng, khó khăn lớn hiện nay là giá thu chưa tính đúng tính đủ. Hiện nay nghị định 60 cũng đề xuất tiến tới tính đúng tính đủ nhưng chậm và không đúng kỳ hạn. Ngoài thiếu chi phí gián tiếp thì còn có chi phí khấu hao tài sản, và một số các khoản thuế, bảo hiểm… chưa đưa được vào giá.
Bên cạnh đó, bệnh viện đề xuất khi đưa vào giá phải tính cả tỷ lệ trượt giá của thị trường, biến động giá của nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, quy định cứng nhắc khi lập các quỹ từ chênh lệch thu chi khiến bệnh viện rất bị động, không thể chi đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên.
TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị không nên bắt các bệnh viện thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện bởi vừa hình thức vừa không hiệu quả, tạo thêm gánh nặng cho bệnh viện.
"Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã từng thí điểm tự chủ toàn phần, lập Hội đồng quản lý bệnh viện nhưng rồi cuối cùng cũng xin rút hết vì không hiệu quả. Đã không hiệu quả thì tại sao Bộ Y tế vẫn tiếp tục yêu cầu các bệnh viện tiếp tục triển khai? Hội đồng quản lý trong bệnh viện công lập hoàn toàn không giống Hội đồng quản trị của bệnh viện tư nhân, không được quyền bổ nhiệm giám đốc bệnh viện, nếu ý kiến của Hội đồng trái ngược với Đảng uỷ, Ban giám đốc bệnh viện thì sẽ xử lý như thế nào?", ông Thức nêu rõ những bất cập.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, sau dịch Covid-19, các bệnh viện tự chủ tài chính gặp nhiều khó khăn khi lượng bệnh nhân sụt giảm, mức thu giảm, phải giải quyết gánh nặng hậu quả sau đại dịch nhưng hoàn toàn không có cơ chế cấp bù từ Nhà nước. Đây cũng là bất cập mà nhiều đơn vị đã phản ánh nhưng chưa được giải quyết.