Tại tỉnh Lào Cai: Năm vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được một số kết quả tích cực.
Theo kết luận mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường tại phiên họp thường kỳ được tổ chức vào đầu tháng 1/2024.
Tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023, của tỉnh Lào Cai đạt 5,11%, tuy chưa đạt như kỳ vọng và mục tiêu kế hoạch đặt ra, nhưng trong đó vẫn có những điểm sáng như: Khu vực dịch vụ tăng trưởng tốt đạt 9,27%; khu vực xây dựng khởi sắc với mức tăng 9,18%.
Về quy mô kinh tế, tỉnh Lào Cai có sự tăng trưởng nhất định, quy mô GRDP (theo giá hiện hành) đạt 73.600,9 tỷ đồng tăng 8,16% so với năm 2022, xếp thứ 4/14 tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc và xếp thứ 39/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,53%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 41,66%; ngành dịch vụ chiếm 36,01%; thuế sản phẩm 9,8%. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản hoàn thành theo tiến độ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt 13,7 % kế hoạch năm. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn của nền kinh tế. Lượng khách tới các điểm tham quan du lịch tăng mạnh, đạt 7,26 triệu lượt khách vượt 21% kế hoạch. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 22.500 tỷ đồng.
Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, tỉnh Lào Cai luôn nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh; tỉnh đã tổ chức thành công chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch Lào Cai tại Ấn Độ. Công tác an sinh xã hội được quan tâm; công tác giáo dục đạt nhiều thành tích nổi bật; công tác y tế đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-9 và các dịch bệnh mới phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong năm tỉnh Lào Cai còn nhiều việc chưa hoàn thành, còn điểm nghẽn chưa được giải quyết dứt điểm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, do đó, trong năm qua, còn một số tồn tại hạn chế như có 9/42 chỉ tiêu không đạt theo kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đơn vị chậm được tháo gỡ, thu tiền sử dụng đất, hoạt động xuất nhập khẩu đạt rất thấp, công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ dẫn tới một số dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất của nhân dân.
Do vậy, UBND tỉnh Lào Cai xác định năm 2024 phải hoàn thành mục tiêu kép không chỉ phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm mà còn phải tăng tốc để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, là năm phải làm việc gấp đôi và đem lại hiệu quả gấp đôi, làm phải có sản phẩm cụ thể, tạo bứt phá trong năm 2024.
UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể từng nội dung, nhiệm vụ, tiến độ... Phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả để theo dõi, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc làm cơ sở xếp loại cuối năm.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành với ngành, ngành với địa phương, kịp thời thông tin, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại tỉnh Sơn La: Năm 2023, trong điều kiện khó khăn, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh không đạt mục tiêu đề ra (đạt 0,75% so với mục tiêu 7,5%); chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 giảm 19,27%, trong đó sản xuất phân phối điện giảm 25,26% so với cùng kỳ năm 2022 (đây là ngành, lĩnh vực tác động trực tiếp đến số thu ngân sách trên địa bàn).
Kết quả thu ngân sách năm 2023 đạt 4.290,5 tỷ đồng, bằng 101% dự toán Trung ương, 89,4% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 92,7% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Thuế và phí đạt 3.581,6 tỷ đồng, bằng 103,9% dự toán Trung ương, 94,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 96,5% so cùng kỳ năm 2022. Thu tiền sử dụng đất đạt 709 tỷ đồng, bằng 88,4% dự toán Trung ương; 69,5% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 77,2% so với cùng kỳ năm 2022…
Nếu như tỉnh Lào Cai, Sơn La có tăng trưởng nhưng không đạt như kỳ vọng thì tỉnh Lai Châu thậm chí còn âm. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước giảm 3,8% (tăng trưởng âm).
Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản 15,49%; công nghiệp và xây dựng 37,32%; dịch vụ 40,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,84%. GRDP bình quân đầu người 47,2 triệu đồng, khó đạt kế hoạch. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.086 tỷ đồng, chưa đạt so với kế hoạch giao.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu âm 13,3%, trong đó: tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng địa phương âm 6,7%, khó đạt kế hoạch (Kế hoạch lần lượt 3%; 8%)...
Nguyên nhân là do một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, ban hành chậm, khó thực hiện, tháo gỡ khó khăn về pháp lý chưa kịp thời, đặc biệt là cơ chế, chính sách, hướng dẫn đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán diễn biến bất thường, cực đoan hơn, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất công nghiệp điện, yếu tố quyết định lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mặt khác các động lực khác cho tăng trưởng như đầu tư xây dựng, dịch vụ chưa đáp ứng được như kỳ vọng.
Giá cả vật liệu biến động tăng cao, một số địa bàn khan hiếm vật liệu; việc triển khai một số nguồn vốn của ngân sách địa phương như xổ số kiến thiết, thu sử dụng đất còn phụ thuộc vào tiến độ thu ngân sách của các huyện, thành phố;... đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư; việc triển khai các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của một số đơn vị chủ đầu tư có thời điểm chưa quyết liệt, hiệu quả.
Trong năm 2024, tỉnh Lai Châu sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp có lợi thế; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, bền vững, tăng cường phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển nông nghiệp. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên kết vùng.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...
Tham khảo thêm