Dân Việt

Thông tin "nóng" về 36 trụ sở Bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội, có nơi cao 25 tầng

Thái Nguyễn 13/01/2024 07:40 GMT+7
Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu trụ sở Bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội. Trong đó, quy hoạch xây dựng các trụ sở Bộ, ngành Trung ương đã nêu từng vị trí cụ thể, mật độ xây dựng, chiều cao chi tiết.

Theo đó, khu đất quy hoạch được duyệt trong đồ án quy hoạch trụ sở Bộ, ngành Trung ương tại Tây Hồ Tây thuộc địa giới hành chính phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. 

Trong khu đất được quy hoạch khoảng 35ha (diện tích thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ khoảng 20,7 ha và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm khoảng 14,3 ha) bố trí đất xây dựng trụ sở các cơ quan (12 cơ quan, 1 cơ quan dự trữ); đất công trình dịch vụ, công cộng; đất cây xanh, quảng trường, công viên, cầu vượt, mặt nước và đất đường giao thông. Đất xây dựng trụ sở, cơ quan với số người làm việc khoảng 14.500 người.

Cụ thể, lô đất B1 bố trí trụ sở làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có diện tích đất là 10.381m2. Mật độ xây dựng khoảng 40% và tầng cao là 25 tầng, có hệ số sử dụng đất khoảng 4,3 lần. Lô đất B2 là trụ sở làm việc của Bộ Tư pháp có diện tích đất là 10.927m2. Mật độ xây dựng là khoảng 40%, tầng cao là 21 tầng và hệ số sử dụng đất là khoảng 2,7 lần.

Lô đất B3 trụ sở làm việc của Bộ Công Thương có diện tích đất là 10.382m2. Mật độ xây dựng là khoảng 40% và tầng cao là 25 tầng. Hệ số sử dụng đất khoảng 4,3 lần. Lô đất B4 là trụ sở làm việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có diện tích đất là 10.926m2. Mật độ xây dựng là khoảng 40%, tầng cao là 21 tầng và hệ số sử dụng đất khoảng 2,7 lần.

Lô đất B5 là trụ sở làm việc của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, diện tích đất là 10.568m2 có mật độ xây dựng là khoảng 40% và tầng cao là 17 tầng. Hệ số sử dụng đất khoảng 2,8 lần. Lô đất B7 là trụ sở làm việc của Bộ Y tế có diện tích đất là 10.463m2, mật độ xây dựng là khoảng 40%, tầng cao là 15 tầng và hệ số sử dụng đất khoảng 2,9 lần.

Lô đất B8 là trụ sở làm việc của Trung tâm Kỹ thuật nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ, diện tích đất 7.985m2, có mật độ xây dựng khoảng 50%, chiều cao là 14 tầng. Trong đó, hệ số sử dụng đất khoảng 3,8 lần.

Thông tin "nóng" về 36 trụ sở Bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội, có nơi cao 25 tầng- Ảnh 1.

Khu vực xây dựng trụ sở Bộ, ngành Trung ương tại Tây Hồ Tây Hà Nội


Lô đất B10 là trụ sở làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có diện tích đất là 12.385m2. Mật độ xây dựng là khoảng 40% và tầng cao là 12 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,4 lần. Lô đất B12 dự kiến bố trí trụ sở làm việc của cơ quan dự trữ có diện tích đất là 12.389m2. Mật độ xây dựng khoảng 40%, trong đó, cao 12 tầng và hệ số sử dụng đất khoảng 2,4 lần.

Lô đất B13 là trụ sở làm việc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có diện tích đất là 11.803m2. Mật độ xây dựng là khoảng 40% với chiều cao là 14 tầng và hệ số sử dụng đất khoảng 2,5 lần. Lô đất B14 là trụ sở làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông. Diện tích đất là 11.497m2. Mật độ xây dựng khoảng 40%. Tầng cao là 15 tầng. Hệ số sử dụng đất khoảng 2,6 lần.

Lô đất B15 là trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng có diện tích đất là 11.802m2. Mật độ xây dựng là khoảng 40% và cao 15 tầng. Hệ số sử dụng đất khoảng 2,5 lần. Lô đất B16 là trụ sở làm việc của Bộ Giao thông Vận tải với diện tích đất là 11.498m2. Mật độ xây dựng là khoảng 40%, chiều cao là 18 tầng và hệ số sử dụng đất khoảng 3,9 lần.

Còn khu vực Mễ Trì thuộc phường Trung Văn, Mễ Trì ở quận Nam Từ Liêm được quy hoạch với tổng 55ha, số người làm việc khoảng 4.200 người. 

Cụ thể, lô đất CQ01 bố trí trụ sở làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có diện tích đất khoảng 49.971m2. Mật độ xây dựng tối đa 40% và cao từ 20 đến 25 tầng. Hệ số sử dụng đất là 1-3 lần. Lô đất CQ2 đang xây dựng trụ sở làm việc của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với diện tích đất là khoảng 31.307m2. Mật độ xây dựng tối đa 40% và chiều cao từ 17 đến 20 tầng. Hệ số sử dụng đất là 1-3 lần.

Theo Đồ án quy hoạch trụ sở Bộ, ngành gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây hồ Tây và Mễ Trì. Theo đó, trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc chính phủ và 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể.

Nhiều chuyên gia nhận định việc di dời trụ sở các Bộ, ngành ra khỏi khu vực trung tâm nội đô trên thực tế cũng không phải chỉ riêng của Hà Nội, mà cũng là đòi hỏi thực tiễn của nhiều thành phố lớn trong cả nước. Hiện nay, các đô thị phát triển, việc tồn tại của các cơ sở này trong nội đô đã bộc lộ những điểm yếu, trước hết là việc thâm dụng quỹ đất và tính sinh lợi. Cùng với đó, dẫn tới việc người và phương tiện giao thông dồn vào nội đô, gây tắc nghẽn, ùn ứ và kể cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn.