Dân Việt

Ông Trương Gia Bình: "1 tỷ USD không phải là con số, nó là cuộc đời, tuổi trẻ của chúng tôi"

Hải Phong 13/01/2024 12:36 GMT+7
Nói về con số doanh thu 1 tỷ USD nhờ cung cấp dịch vụ công nghệ thông từ thị trường nước ngoài, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ, đó là giấc mơ của cả thời thanh niên, là niềm hy vọng to lớn mà những người FPT đã nghĩ tới từ những ngày đầu tiên.
Ông Trương Gia Bình: "1 tỷ USD không phải là con số, nó là cuộc đời, tuổi trẻ của chúng tôi"- Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT trong niềm tự hào dâng trào khi giấc mơ "doanh thu 1 tỷ USD" được chinh phục đã chia sẻ: "Với chúng tôi, 1 tỷ đô là giấc mơ của cả thời thanh niên, là niềm hy vọng to lớn mà chúng tôi đã nghĩ tới từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp". Ảnh: FPT

Ngày 11/1/2024, FPT chính thức công bố việc đạt được doanh thu 1 tỷ USD nhờ cung cấp dịch vụ công nghệ thông từ thị trường nước ngoài. Đây là một trong nhiều giấc mơ điên rồ mà người FPT đã dám mơ và rồi biến nó thành hiện thực.

Và danh sách những giấc mơ điên rồ nhưng không hề bất khả thi lại tiếp tục nối dài khi cùng ngày, FPT chính thức tuyên bố: Từ mốc 1 tỷ USD, tới năm 2030, FPT quyết tâm "bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD" khi đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài. 

Vậy người FPT đã làm những gì để biến giấc mơ điên rồ "1 tỷ USD" này thành hiện thực, hãy cùng nghe họ chia sẻ với phóng viên Dân Việt và báo giới.

"1 tỷ USD không phải là con số, nó là cuộc đời, tuổi trẻ của chúng tôi"

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã khẳng định như vậy với báo giới trong niềm tự hào dâng trào khi giấc mơ "doanh thu 1 tỷ USD" được chinh phục.

"Với chúng tôi, 1 tỷ đô là giấc mơ của cả thời thanh niên, là niềm hy vọng to lớn mà chúng tôi đã nghĩ tới từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp. Nó cũng ghi dấu những ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất trong cuộc đời mà chúng tôi đã cống hiến để biến giấc mơ đó thành hiện thực", ông Bình nhớ lại.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ thêm: Khát vọng của FPT trong suốt 35 năm qua là góp phần đưa trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài, ghi tên Việt Nam lên trên bản đồ số thế giới. Ngay từ đầu ông và các cộng sự hiểu rằng việc này rất lớn và rất khó, làm sao phải tạo ra niềm hứng khởi cho các bạn trẻ Việt Nam với lĩnh vực công nghệ thông tin.

Và Chủ tịch FPT cũng thừa nhận báo chí đã cùng FPT thực hiện sứ mệnh đó, gieo cho các bạn trẻ Việt Nam hứng thú và đam mê với công nghệ thông tin.

Ông Trương Gia Bình: "1 tỷ USD không phải là con số, nó là cuộc đời, tuổi trẻ của chúng tôi"- Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình nhớ lại thời điểm lịch sử của FPT cách nay 35 năm, ngày 13/9/1989, 13 nhà khoa học kiếm không đủ sống từ việc nuôi lợn, nuôi gà, đã cùng tập hợp nhau lại để vượt khó bằng việc thành lập FPT. Ảnh: PV

"Ngày ấy, chúng tôi chỉ ước mơ dùng trí tuệ Việt Nam - chứ không phải dùng đất đai, khoáng sản - để đem lại giá trị cho đất nước, mang tiền về cho Tổ quốc. Và tới hôm nay, câu chuyện đã hoàn toàn khác. Không chỉ góp phần làm hưng thịnh quốc gia, trí tuệ Việt Nam còn đang giúp đưa FPT trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới. Đây không chỉ lộ trình được tính toán từ 25 năm trước – khi FPT Software ra đời - mà còn là kết tinh của may mắn, hệ quả tất yếu của thế và lực đất nước ta hôm nay".

Ông Trương Gia Bình nhớ lại thời điểm lịch sử của FPT cách nay 35 năm, ngày 13/9/1989, 13 nhà khoa học kiếm không đủ sống từ việc nuôi lợn, nuôi gà, đã cùng tập hợp nhau lại để vượt khó bằng việc thành lập FPT. Mà không chỉ vượt khó, họ còn nuôi một giấc mộng điên rồ hơn, nhưng cũng chính là tâm nguyện của những người làm khoa học chân chính, muốn góp sức mình làm hưng thịnh quốc gia bằng những nỗ lực trong lao động sáng tạo khoa học kỹ thuật.

"Ngày ấy chúng tôi nào biết phần mềm là gì đâu, cứ nói chung công nghệ là được. Ý tưởng đi lên bằng CNTT được chúng tôi và những người FPT nuôi dưỡng 35 năm và sẽ không thay đổi trong nhiều năm sau này", ông Bình nhấn mạnh về quan điểm của nhóm 13 nhà khoa học sáng lập FPT khi đó.

Nghĩ là làm, FPT chú trọng toàn lực để tập trung vào đầu tư và phát triển công nghệ. Năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài với khát vọng: Đem công nghệ, trí tuệ Việt Nam ra thế giới.

Ông Trương Gia Bình: "1 tỷ USD không phải là con số, nó là cuộc đời, tuổi trẻ của chúng tôi"- Ảnh 3.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa xúc động chia sẻ câu chuyện về hành trình 1 tỷ USD của FPT. Ảnh: P.V

Tiếp tục câu chuyện của Chủ tịch FPT, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa tâm sự: Khi đó, FPT đã "mò mẫm" tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn "công nghiệp" như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ - 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000) nhưng sớm thất bại. 

Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số theo đơn vị nghìn đô. Thậm chí khi đạt được quy mô 1 triệu USD doanh thu, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử - có nên tiếp tục theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm hay không?

Từ không khách hàng, FPT đã trở thành đối tác tin cậy của gần 100 công ty thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500). 

Từ triển khai dự án theo hình thức nhận giao việc, FPT đã "lột xác" đóng vai trò tư vấn triển khai các dự án chuyển đổi số dựa trên công nghệ mới nhất với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.

FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường "khó tính" nhất là Nhật Bản từ năm 2005. Từ nhóm 17 nhân sự ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đã cán mốc 30.000 người thuộc 70 quốc tịch. 

Từ Việt Nam, FPT đã vươn ra toàn cầu với sự hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu...

Với tinh thần "Đi trước đón đầu", FPT tập trung nghiên cứu những công nghệ mới nhất và dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ. 

Doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm gần 50% tổng doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài.

"Cộc mốc 1 tỷ USD mang lại nhiều cảm xúc nhưng không hề bất ngờ"

Với Tổng Giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn, hành trình 1 tỷ đô mà FPT đạt được lại được nhìn nhận như sự dịch chuyển về đẳng cấp của FPT Software. Ông khẳng định: Mốc 1 tỷ đô mang lại nhiều cảm xúc nhưng cảm xúc này không hồi hộp bằng các mốc trước đây.

Ông Tuấn nhớ lại: Mốc 1 triệu USD đầu tiên khi FPT đạt được khi đang đứng ở ngay lằn ranh sinh tử, giữa quyết định tồn tại hay không tồn tại. 

"Tôi là một trong những người đầu tiên ở FPT Software đi Ấn Độ, đi Mỹ và rồi lặng lẽ quay về khi trắng tay. Thời điểm đó, đã có nhiều tranh luận nảy sinh ngay trong nội bộ FPT: Tiếp tục phát triển thị trường trong nước hay ra tiến quân nước ngoài? Và tới khi đạt được cột mốc triệu đô, người FPT mới tin mình có thể tấn công ra thị trường nước ngoài", ông Tuấn kể lại.

Ông Trương Gia Bình: "1 tỷ USD không phải là con số, nó là cuộc đời, tuổi trẻ của chúng tôi"- Ảnh 4.

Tổng Giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn cho rằng, hành trình tỷ đô mà FPT đạt được lại được nhìn nhận như sự dịch chuyển về đẳng cấp của FPT Software. Ảnh: P.V

Rồi đến các cột mốc 10 triệu USD - 100 triệu USD, tình cảnh khi đó cũng rất khó khăn, doanh thu của FPT nhiều năm chỉ đi ngang vì khủng hoảng tài chính, không vượt được bẫy trung bình.

"Cho đến ngày thảm họa sóng thần xảy ra ở Nhật – đối tác lớn nhất ở nước ngoài của chúng tôi, ngay khi đó, toàn bộ người FPT đã xác định và cam kết sẽ đồng hành cùng khách hàng trong nỗ lực khắc phục sau thảm họa, không bao giờ rời bỏ khách hàng, rời bỏ thị trường Nhật Bản. Và may mắn là kể từ sau đó, chúng tôi đã có được những thành quả rực rỡ từ thị trường này", ông Tuấn hào hứng.

Đặc biệt, từ công ty không thương hiệu, FPT đã bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới (world class) của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT có doanh thu tỷ USD.

Rồi đến khi đạt cột mốc 500 triệu USD cách đây 3 năm, khi đó ông Tuấn cho rằng đã có thể mường tượng ra cộc mốc 1 tỷ USD sẽ được chinh phục nhanh chóng và vì thế, "1 tỷ USD hoàn toàn không phải cột mốc gây nhiều bất ngờ cho chúng tôi dù phải thừa nhận, đây là dấu mốc lịch sử của FPT Software nói riêng và FPT nói chung".

"Cộc mốc này đã chứng tỏ một thực tế: FPT đã giúp Việt Nam từ một quốc gia không tên trên bản đồ phần mềm thế giới thì sau 25 năm, tức là 1/4 thế kỷ, chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu phần mềm thứ hai. Với FPT Software, từ chỗ chỉ có 17 con người, hiện nay chúng tôi đã có hơn 30.000 người đến từ 30 quốc gia khác nhau để thực hiện ước mơ này", ông Tuấn nhấn mạnh.

Sự kết hợp của 3 trụ cột chính

Để thành công trong hành trình 1 tỷ USD, FPT Software đã có những quyết định mang tính chiến lược, mà theo "bật mí" của Tổng Giám đốc FPT Software, chính là sự kết hợp của 3 trụ cột chính.

Đầu tiên là Phát triển cân bằng: Trước đó FPT Software phụ thuộc nhiều vào thị trường Nhật Bản nhưng giờ, FPT Software đã phát triển song song các thị trường Mỹ, Nhật và APAC (Châu Á Thái Bình Dương), mỗi thị trường chiếm từ 30-35%, đảm bảo mức tăng trưởng trên 25%. 

Tiếp đến là Chuyển dịch khách hàng: Năm 2018, FPT Software đã bắt đầu tập trung vào chiến lược "săn cá voi", nghĩa là chỉ tập trung vào khách hàng có doanh thu triệu đô. Và hiện nay có tới 80% lượng khách hàng mang lại doanh thu triệu đô.

Tận dụng tối đa nguồn lực: Kết hợp sức trẻ, khát vọng của thanh niên Việt Nam với sự am hiểu của chuyên gia bản địa, FPT Software chinh phục các khách hàng doanh thu triệu USD.

Ông Trương Gia Bình: "1 tỷ USD không phải là con số, nó là cuộc đời, tuổi trẻ của chúng tôi"- Ảnh 5.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ về hành trình doanh thu 1 tỷ USD với báo giới tại Hà Nội. Ảnh: P.V

Trong khi đó, ông Đặng Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT Software phụ trách khối châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông chia sẻ thêm: Yếu tố ham học hỏi đã giúp FPT rất nhiều tại thị trường Mỹ nói riêng và toàn cầu. 

Các tập đoàn toàn cầu đều có chi nhánh toàn thế giới, vậy ai có thể giúp họ quản trị hệ thống CNTT, cùng họ sống một múi giờ, nói cùng ngôn ngữ với họ? Chúng tôi tìm hiểu và biết rằng, người Ấn Độ làm công nghệ cho cả thế giới, nhưng chỉ học tiếng Anh. Còn người FPT học nhiều thứ tiếng để phục vụ cho đa dạng khách hàng, và làm những việc mình làm tốt nhất.

"Chúng tôi mất 5 năm để một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đồng ý cho FPT Software cung cấp dịch vụ CNTT cho họ. Khi đến trình bày với họ tôi có nói: Trong mơ tôi cũng không nghĩ có ngày được bàn về việc lập trình phần mềm bay cho công ty nổi tiếng như này. Nhưng sau 10 năm, mọi chuyến bay mà chúng ta từng bay đều có dòng code của người FPT bảo vệ. Không nhiều công ty trên thế giới có thể cung cấp dịch vụ CNTT cho cả hai công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới như chúng tôi", ông Phương kể lại.

"FPT như cây tre lớn lên giữa mùa đông giá rét trở thành cột buồm cùng Nhật Bản đi ra thế giới", ông Đỗ Văn Khắc, Phó Tổng Giám đốc FPT Software phụ trách khối Nhật Bản và Châu Á Thái Bình Dương đánh giá.

Hay như khách hàng 100 triệu USD tại Mỹ. Khách hàng này đến từ thương vụ M&A đầu tiên của FPT tại Mỹ, thương vụ với Intellinet. Theo đánh giá của ông Phương, M&A không phải dễ, nhất là với công ty Mỹ.

"Chúng tôi mua công ty của Mỹ và điều hành cùng với những người bản địa. Chúng tôi mất 3 năm đầu tiên vô cùng khó khăn để tích hợp, làm quen và vượt qua bất đồng về suy nghĩ, tư duy với người bản địa. Và tiếp đó, ngay giữa đại dịch, chúng tôi đã cùng hợp lực với nhau, người Việt Nam và người bản địa để cùng triển khai dự án tại 5 quốc gia với quy mô lên tới 1.000 người. Nếu không quyết tâm khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới thì chắc chắn chúng tôi không thể làm được việc ấy", Phó Tổng Giám đốc FPT Software thừa nhận.

Ông Phương cũng khẳng định tham vọng: Riêng tại thị trường Mỹ với những dư địa sẵn có, FPT hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng gấp đôi mỗi 3 năm; Tạo thêm 3.000 việc làm tại Mỹ và đạt 1 tỷ USD vào năm 2030.

Với ông Đỗ Văn Khắc, Phó Tổng Giám đốc FPT Software phụ trách khối Nhật Bản và Châu Á Thái Bình Dương, "FPT như cây tre lớn lên giữa mùa đông giá rét trở thành cột buồm cùng Nhật đi ra thế giới".

Thị trường Nhật là trụ cột phát triển của FPT ra toàn cầu. Nhật Bản qua một giai đoạn suy thoái nhưng FPT vẫn tăng trưởng tại đây. Tương lai, Nhật muốn đổi mới, đi ra toàn cầu, thành cường quốc trở lại đây là cơ hội cho FPT. Cụ thể, ngay sau Covid-19, thị trường Nhật Bản lại có tăng trưởng trên 30%. Gần đây APAC là thị trường thứ ba. Năm 2023 APAC tăng 50,5%.

Chốt lại câu chuyện với báo giới về hành trình chinh phục giấc mơ 1 tỷ USD, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh: "FPT luôn có những con số, giấc mơ đầy hoài bão. Dù nhiều người không tin vào những giấc mơ đó, thậm chí cho rằng nó điên rồ, nhưng cuối cùng, chúng tôi đều chinh phục được những giấc mơ đó. Với tiềm năng thị trường và những gì chúng tôi đã làm được, FPT đang hướng đến ước mơ có 1 triệu nhân sự trong lĩnh vực chuyển đổi số để tạo nên cuộc cách mạng mới trong công nghệ".

Cùng với đó, Tổng Giám đốc FPT đưa ra tham vọng: Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, chip bán dẫn, công nghệ ô tô… để hướng tới mục tiêu có những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất...

Dự báo 2024 khó hơn 2023, Tổng Giám đốc FPT khẳng định sẽ tập trung phát triển các mũi nhọn AI, bán dẫn, công nghiệp ô tô, đặc biệt là ô tô tự hành, tham gia các dự án lớn của Chính phủ và các bộ ban ngành, thêm bằng sáng chế trong AI, mong muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chip trong khu vực, 2030 cán mốc 1 tỷ USD cho lĩnh vực Automotive...

Trong lĩnh vực viễn thông, FPT cũng kỳ vọng mở rộng cáp quang kết nối quốc tế. Áp dụng công nghệ wifi 6 và wifi 7, đầu tư cho truyền hình để đem lại trải nghiệm khác biệt. Mở rộng trung tâm dữ liệu cung ứng năng lực hạ tầng cho FPT không chỉ Việt Nam mà nước ngoài...

Chủ tịch Trương Gia Bình kỳ vọng: "Năm 2013, FPT rẽ nhánh sang chuyển đổi số và thành công. Tương lai Việt Nam có thể đi đầu thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi số. Và vừa rồi, CEO của Nvidia sang Việt Nam, nói chuyện hàng tiếng đồng hồ với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và đã chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai.

Ông Jensen Huang cũng gợi mở: Nếu Việt Nam có thể chuyển đổi 1 triệu kỹ sư CNTT sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thì chúng ta sẽ thực sự tạo ra được một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực công nghệ. Và giờ đây, FPT đang yêu cầu 7 vạn người trẻ nghiên cứu về AI, trong số đó phải có ít nhất 1.000 người lấy được bằng tư vấn chuyển đổi số.

Chúng ta có thể thấy thay đổi đến như vũ bão, và vì thế FPT cũng phải chuyển dịch như vũ bão và luôn phải đứng trên đầu ngọn sóng".