Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Trong đó, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH về nhiều nội dung như: Về tổ chức, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (Chương IV), tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin thể hiện như quy định tại Điều 47, 48 và 51 của dự thảo Luật.
Đối với khoản 1 Điều 59, UBTVQH xin chỉnh lý như sau: "Trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thống đốc NHNN để kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong năm tài chính tiếp theo".
Về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình TCTD: "Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc NHNN".
Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.
Bên cạnh đó, UBTVQH đã giải trình, chỉnh lý một số vấn đề lớn về dự phòng rủi ro (Điều 147); Can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Chương IX); Về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (Chương X); Về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt (Chương XI).
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng đã tiếp thu, chỉnh lý đối với các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII). Trong đó, có ý kiến cho rằng việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 cần phải xử lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật có liên quan về lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, thuế…
Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (Chương XIII), có ý kiến đề nghị quy định rõ, cụ thể về quản trị ngân hàng và về cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, gắn với vấn đề xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng và cho vay đối với người có liên quan được quy định tại Luật này, để công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đạt được tính khả thi, hiệu quả thực chất, không phải mang tính đối phó, hình thức khi có sự tác động khách quan. Ngoài ra, đề nghị cần phải nghiên cứu, thiết kế mô hình giám sát tài chính độc lập, bên cạnh mô hình thanh tra, giám sát ngân hàng quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế tại nhiều nước.
Do đó, UBTVQH tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định: "NHNN có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan" tại khoản 1 Điều 207. Đồng thời, UBTVQH đề nghị Chính phủ, NHNN, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính) tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các TCTD hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của Luật khi ban hành.
Về Điều khoản thi hành (Chương XV), UBTVQH thấy rằng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có nhiều nội dung giao hướng dẫn, quy định chi tiết. Cụ thể, Chính phủ có 9 nội dung, Thủ tướng Chính phủ có 1 nội dung, NHNN có 28 nội dung. Đồng thời, để các TCTD có thời gian chuẩn bị các nội dung về quản trị, điều hành, hoạt động phù hợp với quy định của Luật này sau khi được ban hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của một số luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản (tại Điều 200, 210), UBTVQH chỉnh lý theo hướng hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01/01/2025.