Đa dạng các chính sách giảm nghèo
Trong năm qua, UBND huyện Đồng Hỷ đã triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến hết ngày 31/12/2023, huyện đã thực hiện giải ngân được gần 5 tỷ đồng giúp các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Đến tháng 11/2023 đã có 374 hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền 23 tỷ 234 triệu đồng, nâng tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại là 96 tỷ 135 triệu đồng. Trong năm, huyện đã giải ngân cho 239 hộ cận nghèo vay với tổng số tiền 16 tỷ 969 triệu đồng, nâng tổng dư nợ là 89 tỷ 525 triệu đồng.
Một trong những chính sách hỗ trợ giảm nghèo đạt được hiệu quả cao trên địa bàn huyện Đồng Hỷ là chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chương trình cho vay này đã góp phần động viên và nâng cao ý thức của cộng đồng cùng có trách nhiệm chung tay giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
HTX Bò Mông số 11 (xóm Tân Lập, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những đơn vị đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều đồng bào dân tộc Mông tại địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo chị Nguyễn Thị Trang - Giám đốc HTX Bò Mông số 11, nhờ tham gia dự án "HTX liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững", nhiều hộ thành viên là đồng bào dân tộc Mông ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định qua mô hình nuôi bò Mông, nuôi gà.
Tham gia dự án, 25 hộ được hỗ trợ cho vay bò giống với tổng trị giá toàn dự án là 1 tỷ đồng. Sau khi được hỗ trợ cho vay con giống, HTX đã liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên khác là các hộ nghèo tham gia chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò của HTX. Lao động làm việc tại HTX sẽ được trả công theo ngày ở mức 200.000 đồng/người. Đồng thời những hộ nghèo này sẽ cung ứng cỏ cho HTX để làm nguồn thức ăn cho bò.
Qua đánh giá bước đầu, dự án đã mang lại kết quả rõ rệt, giúp nhiều hộ nghèo có thu nhập ổn định hàng tháng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.
Cũng trong năm qua, huyện Đồng Hỷ còn chú trọng đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có trình độ văn hóa, có sức khoẻ, có nhu cầu học nghề hoặc chuyển đổi nghề... Sau khi học nghề xong, người lao động còn được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể
Từ những kết quả đã đạt được, năm 2024, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giao chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều cho huyện Đồng Hỷ xuống còn 1,99% và kế hoạch của huyện giảm nghèo đa chiều xuống còn 2,12%.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện là 1.341 hộ (chiếm 5,50%); hộ cận nghèo là 1.084 hộ (chiếm 4,45%), giảm 498 hộ nghèo và 349 hộ cận nghèo (tương ứng 3,48%). Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều năm 2023 đạt 168% so với kế hoạch tỉnh giao (3,48%/2,06% ).
Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Đồng Hỷ đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo;
Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo, lấy ý kiến của người dân để thực hiện hiệu quả các chính sách về giảm nghèo.
Cùng với đó, huyện phối hợp triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó tập trung mọi nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn xã hội hóa, hướng ưu tiên đầu tư nguồn lực hỗ trợ cho xã Văn Lăng (xã có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất của huyện); tập trung triển khai những dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị...
Việc triển khai dự án trồng sâm bố chính tại Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt trong thời gian vừa qua.
Dự án này đã góp phần tạo động lực cho đồng bào vùng cao trong phát triển các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo sự đoàn kết cũng như hỗ trợ công ăn việc làm ổn định cho nhiều bà con trong vùng.
Ông Trương Công Hiền – Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Văn Lăng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 70%, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 1/3 dân số. Trước đây đời sống của người dân ở Văn Lăng vô cùng khó khăn.
"Tuy nhiên sau khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đã giúp cho diện mạo nông thôn và cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều khởi sắc đáng kể, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã cũng giảm", ông Hiền chia sẻ.
Cùng với xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ còn thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân các địa phương trên địa bàn huyện thông qua tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch - vệ sinh môi trường, thông tin - truyền thông.
Huyện cũng yêu cầu tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài nước. Tập trung tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển kinh tế hàng hóa ở các xã nghèo, xóm nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tốc độ phát triển kinh tế khu vực phi nông nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo. Đồng thời, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả, thâm canh tăng năng suất, nâng cao giá trị thu nhập nhằm giảm bớt những khó khăn, giúp các hộ nghèo do thiếu đất sản xuất thoát nghèo.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để trợ giúp đối tượng người nghèo. Tăng cường chỉ đạo và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thiên tai nhằm tránh và giảm thiểu thiệt hại do yếu tố khách quan mang lại. Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ các nguyên nhân rủi ro.