Ngày 16/1, Đội trưởng Đội Trật tự đô thị TP.Quy Nhơn (Bình Định) Đoàn Thanh Bình cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng đối với 4 trường hợp liên quan đến gia đình cán bộ, đảng viên, trên địa bàn phường Quang Trung (TP.Quy Nhơn).
Cụ thể, 4 trường hợp bị tháo dỡ, gồm: ngôi nhà đứng tên ông N. Đ.T (con của một nguyên Giám đốc Sở tỉnh Bình Định, vị này từng cho biết xây căn nhà trên đồi, chỉ để đọc sách, dưỡng bệnh-PV), bà P. H. A. P (con của bác sĩ tại một bệnh viện trên địa bàn); bà T. T. T. T (vợ một nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định) và ông N. V. T.
"Theo chỉ đạo của tỉnh, 4 trường hợp vi phạm này liên quan đến cán bộ, đảng viên mà báo chí đã phản ánh nên tiến hành cưỡng chế trước. Trong vòng 5 ngày, sẽ cưỡng chế tháo dỡ xong các công trình vi phạm trên, riêng nhà của gia đình ông N. Đ.T, phải đập bằng tay vì thiết bị không vào trong được", ông Bình nói.
Trước đó, báo Dân Việt từng có nhiều loạt bài phản ánh, Bình Định "nở rộ" các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, chưa xử lý.
Việc này, đặt ra dấu hỏi về sự lỏng lẻo, trong công tác quản lý. Sự việc càng khó xử lý khi nhiều người vi phạm là đảng viên, cựu lãnh đạo cấp tỉnh, sở ngành.
Vấn đề lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định đã lên tiếng rất gay gắt về khâu quản lý, và báo chí cũng phản ánh, chỉ ra rất nhiều vấn đề, cần khắc phục.
Theo ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, từ trước đến nay, Bình Định đã nhận diện được hơn 10.000 vụ lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
"Năm 2024, chúng tôi đã giao số vụ vi phạm phải giải quyết trong năm là 9.500 vụ, 2 năm phải giải quyết xong số vụ vi phạm lấn chiếm đất đai. Phải có giải pháp để làm, xử lý việc cũ và không để phát sinh việc mới", ông Tuấn cho hay.
Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, quan điểm của tỉnh Bình Định là xử lý cán bộ vi phạm trước, để làm gương và người dân xử lý sau.
UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức hội nghị về chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép quy mô "chưa từng có", với sự góp mặt của lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc các Sở ngành, Bí thư, Chủ tịch các địa phương cùng bàn cách xử lý.
Sau hội nghị này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã có kế hoạch và yêu cầu rất cụ thể, chi tiết. Các địa phương phải lập ban chỉ đạo, phân loại để xử lý và báo cáo về UBND tỉnh.
"Tất cả các trường hợp vi phạm về đất đai, chúng tôi đã công khai số liệu, tức là phải làm và làm rất quyết liệt. Những trường hợp vi phạm cũ phải xử lý triệt để. Trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép được phát hiện mới thì lãnh đạo, địa phương nơi quản lý phải chịu trách nhiệm và bị kỷ luật nặng", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho rằng, phải xử lý trên tinh trần trách nhiệm đạo đức công vụ cao nhất, thay vì "làm ngơ, thoả thuận" trước vi phạm.
Ngoài ra, cần rà soát lại tất cả để phân loại, xử lý theo từng trường hợp. Lấn chiếm theo hướng vi phạm nặng, có đầy đủ điều kiện vẫn cố tình lấn chiếm thì kiên quyết xử lý.
Còn người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không có nhà ở, những trường hợp này mang tính an sinh xã hội, phải có biện pháp bố trí, tháo gỡ phù hợp.
Kiên quyết xử lý vi phạm theo hướng tổng rà soát, giải quyết căn cơ theo đúng quy định. Xử lý vi phạm phải công bằng, công tâm, không có vùng cấm, không nhẹ người này, nặng người kia.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định Lê Kim Toàn, việc xử lý xây dựng trái phép, phải đảm bảo chỗ ở cho người dân.
Do đó, phải phân loại xem trường hợp vi phạm có phù hợp quy hoạch không. Nếu phù hợp, không có tranh chấp, họ không còn chỗ ở nào khác thì phải "hợp thức hóa", tạo điều kiện cho người dân, làm nghĩa vụ để có được một chỗ ở, hợp pháp.
Trường hợp không phù hợp với quy hoạch, có tranh chấp, đã có nơi ở khác nhưng vẫn cố tình lấn chiếm, vi phạm thì phải có phương án kiên quyết xử lý.
"Trường hợp xây nhà trái phép nhưng không còn chỗ ở nào khác, nếu cương quyết giải tỏa thì phải tính toán bố trí nhà ở xã hội, tạm cư cho người dân. Bởi, quyền có chỗ ổn định là quyền cơ bản của công dân, nên việc giải quyết phải hài hòa", ông Lê Kim Toàn nói.