Ngày 16/1, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) đã tổ chức hội thảo phát triển toàn diện các loại hình thương mại - dịch vụ kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2023 - 2030.
ThS. Trần Văn Phương, Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, cho rằng huyện Cần Giờ đang tập trung phát triển 4 lĩnh vực kinh tế biển, gồm du lịch và dịch vụ biển; nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy sản; cảng trung chuyển quốc tế và dịch vụ logistics; năng lượng tái tạo.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế biển ở huyện Cần Giờ, như môi trường đầu tư kinh doanh chưa hấp dẫn trong thu hút và phát triển doanh nghiệp; hạ tầng giao thông kết nối với trung tâm TP.HCM, cũng như trên địa bàn huyện là một trong những điểm nghẽn lớn. Cùng với đó, nguồn nhân lực làm việc hạn chế cả số lượng và chất lượng.
Đặc biệt, dù có thế mạnh về kinh tế hàng hải và năng lượng tái tạo, nhưng lĩnh vực này chỉ mới dừng lại ở dự án hoặc ý tưởng.
Phân tích hạn chế và cơ hội, Nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp phát triển cụ thể đối với từng lĩnh vực. Mục tiêu đến năm 2030, lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển của Cần Giờ phải phát triển các cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Thủy sản có tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt 4,9%/năm; giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm 93% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, lĩnh vực cảng trung chuyển quốc tế và dịch vụ logistics, tổng công suất hàng hóa thông quan đạt 4,8 triệu TEU. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 2.000 MW.
TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho hay Cần Giờ hiện có dân số khoảng 76.000 người, chia thành các cụm dân cư tập trung. Đây là hai bài toán rất lớn của bất kỳ đề án nào liên quan đến Cần Giờ đều phải nghiên cứu xử lý.
Thứ nhất, việc dân cư tại Cần Giờ sẽ tăng đột biến trong tương lai, khi có cầu Cần Giờ, cảng trung chuyển, khu đô thị lấn biển... Lượng dân số tăng lên đã có nhiều đánh giá, có thể lên 300.000 người, lên 400.000 người hoặc lớn hơn. Thứ hai, việc tập trung dân theo các cụm dân cư đó sẽ như nào, đặc biệt trong khi đang làm quy hoạch.
TS. Nguyễn Chí Thành, Phó Chủ tịch Hội đất ngập nước Việt Nam, cho rằng trong những giải pháp nhóm nghiên cứu đã nêu, giải pháp về lĩnh vực kinh tế có nhiều, nhưng giải pháp đối với cư dân và cộng đồng còn ít. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng đã dự báo việc dân số Cần Giờ sẽ tăng lên nhanh.
Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho rằng, trong đề án cần tập trung thêm phần quy hoạch đô thị, mặc dù đây là phần không phải là trụ cột, nhưng lại có ảnh hưởng đến các lĩnh vực đã đưa ra.
Theo đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, dân cư Cần Giờ tập trung, có điều kiện phát triển đô thị thuận lợi hơn, phát triển giao thông thuận tiện. Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển... lượng dân số tăng lên, cần phải có góc nhìn về vấn này để bổ trợ cho nguồn nhân lực, giúp phát triển các lĩnh vực kinh tế.