Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Đường sắt đô thị, cảng Cần Giờ là những mục tiêu lớn trong năm 2024
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Đường sắt đô thị, cảng Cần Giờ là những mục tiêu lớn trong năm 2024
Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 15/12/2023 15:38 PM (GMT+7)
Ngày 15/12, Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tổ chức phiên họp thứ 3.
Triển khai Nghị quyết 98 để hoàn thành 200km đường sắt đô thị
Tại phiên họp, các chuyên gia, thành viên Hội đồng đã thảo luận, góp ý nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết 98 và đề án nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2035, TP.HCM sẽ hoàn thành xây dựng 200km đường sắt đô thị.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang tích cực triển khai Nghị quyết 98, chủ động nghiên cứu, đề xuất các vướng mắc với Chính phủ để được tháo gỡ kịp thời.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Hội đồng tư vấn trong quá trình nghiên cứu đề xuất cho thành phố cách tổ chức thực hiện hiệu quả, thực thi các dự án về BT, BOT, đường sắt đô thị… Ông Mãi nói rõ, quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM có 220km đã gần 20 năm. Riêng triển khai tuyến metro 1 đã mất 15-16 năm mới làm được gần 20km.
Kết luận 49 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2035, TP.HCM và Hà Nội cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Như vậy, TP.HCM phải có cách làm hoàn toàn khác dự án metro số 1 mới thực hiện được. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế để huy động nguồn vốn, cơ chế về thủ tục đầu tư dự án, rút thời gian thực hiện chuẩn bị dự án…
Theo đó, từ tháng 7/2023, TP.HCM đã lập tổ công tác xây dựng đề án theo hướng 200km đường sắt còn lại phải đặt vào tổng thể để triển khai trong 1 đề án, cùng một cơ chế chính sách và khẩn trương hoàn thiện đề án trong năm nay.
TP.HCM nỗ lực để đầu năm 2024 trình Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP.HCM trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình kỳ họp giữa năm, để có đề án về đường sắt đô thị cùng với Hà Nội.
Trình bày dự thảo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, mục tiêu thực hiện 200km metro đến năm 2035 là hoàn toàn khả thi nếu tiếp cận theo tư duy mới, cách đi mới thực sự đột phá trên cơ sở những bài học kinh nghiệm bất thành trong nước và trên thế giới, cũng như được thực hiện trên một khung pháp lý mới.
Đề án cũng đề xuất 6 cơ chế đặc thù để hiện thực hóa mục tiêu trên. Trong đó, đề xuất cho TP.HCM lập và phê duyệt quy hoạch 1/500 hệ thống metro theo khu vực nhà ga TOD làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD, tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro. Đề xuất Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 1 dự án hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 200km kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị khu vực TOD theo quy hoạch, hoàn thành trong năm 2035 và phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM quyết định các vấn đề liên quan…
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng nhìn nhận việc phát triển 200km metro đến năm 2035 là nhiệm vụ rất khó khăn, TP.HCM cần phải cẩn trọng trong việc đánh giá khả năng thu hồi vốn. "Khi dự án metro hoàn thành đưa vào sử dụng thì cũng mới đi được 1/4 chặng đường, còn lại là các vấn đề về phát triển hệ thống giao thông kết nối, thương mại, thu hút người dân, doanh nghiệp đến sinh sống, sản xuất kinh doanh thì mới mang lại lợi ích từ TOD. Và nếu hoàn thành được dự án metro số 1, có bộ khung ổn định thì tất cả những tuyến còn lại cùng phát triển theo khung đó sẽ rất thuận tiện", ông Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân đề nghị cần hoàn thiện đồng bộ đề án với các cấp độ quy hoạch và các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng cần biết các tuyến metro này có kết nối để thực hiện quy hoạch phù hợp. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi nhà đầu tư, đẩy mạnh phân cấp trọn gói cho TP.HCM, Hà Nội trong thực hiện các tuyến metro. Bên cạnh đó là tính hiện đại, đồng bộ cũng như chiến lược về phát triển nhân sự phát triển đường sắt và vận hành, quản lý đường sắt.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị trong năm 2024, Hội đồng tư vấn tập trung vào dự án lớn như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế và phát triển đường sắt đô thị.
Đồng thời, Hội đồng tiếp tục phân công nhiệm vụ, củng cố và thành lập thêm các tổ công tác, tổ tư vấn; nghiên cứu hình thức quản trị thực thi phù hợp để tư vấn quản lý thực thi Nghị quyết 98, từ đó nâng cấp lên để có những nghị quyết toàn diện hơn, hay khung pháp lý toàn diện hơn, phù hợp cho quản trị đô thị đặc biệt TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.