Chính phủ đã đề xuất Quốc hội bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng cho các bộ, ban ngành.
Theo đề xuất của Chính phủ, ngành GTVT dự kiến phân bổ số vốn "khủng nhất" hơn 57.735 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD), chiếm hơn 92,5% tổng vốn phân bổ cả giai đoạn là hơn 63.700 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD).
Số vốn phân bổ nói trên phục vụ cho 32 dự án tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Số vốn bình quân mỗi dự án sẽ tương đương tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng.
Số vốn lớn này sẽ phục vụ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, đường ven biển, các dự án có tính liên vùng, các dự án kết nối các khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, các dự án kết nối nội vùng để thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả kinh tế; phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại Đại hội XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Do đó, việc giao vốn "khủng" cho ngành GTVT nhằm dành một nguồn lực lớn đầu tư cao tốc để đến năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và 5.000km vào năm 2030.
Tính từ giai đoạn năm 2000 - 2020, cả nước ta chỉ tổ chức làm trên dưới 1.000km cao tốc. Dự kiến đến 2025, cả nước sẽ có thêm 2.000km cao tốc. Như vậy trong 5 năm tới sẽ làm đường bộ cao tốc bằng 2 lần của 20 năm trước, 10 năm làm bằng 4 lần của 20 năm trước.
Đến nay, Bộ GTVT đã khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) dài 729 km gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Tổng mức đầu tư của các dự án là 146.990 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước.
Cao tốc Bắc - Nam có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.
Đối với các dự án trong năm 2024, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các Dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 Dự án GTVT.
Cùng với đó, Bộ GTVT phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 Dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Cụ thể, có 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, gồm: Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn; Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Ngoài ra, còn có 16 dự án khác, gồm: Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Dự án cải tạo, mở rộng QL.2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Cải tạo, nâng cấp QL.28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL.37B (ODA); Cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000DWT; Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh GĐ1; Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam; Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT giai đoạn 2021-2025; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện hàng không và kết cấu hạ tầng giao thông HK; Cải tạo, mở rộng QL46 đoạn TP.Vinh - TT.Nam Đàn; Dự án nâng cấp, cải tạo 03 tuyến QL (53, 62, Nam Sông Hậu) tại đồng bằng sông Cửu Long, vốn vay WB; Quốc lộ 4B Lạng Sơn; (16) Đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: "Tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu và đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024 với người đứng đầu".
Bộ GTVT đặt mục tiêu năm 2024 hoàn thành, đưa vào khai thác 23 Dự án, trong đó có 2 Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.
Song song đó, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phương án huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.
Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng; báo cáo cấp có thẩm quyền về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông. Hoàn thiện thủ tục để tiến tới nâng tốc độ khai thác một số tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h.
Bộ GTVT tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại, hoàn trả các tuyến đường địa phương, thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đối với các tuyến cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác làm cơ sở triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chủ quản, các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án nghiên cứu đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống trạm dừng nghỉ, hệ thống thu phí không dừng… đối với các Dự án đầu tư xây dựng mới và tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình vận hành khai thác.