Dân Việt

Trung Quốc tiếp tục "đau đầu" vì dân số giảm

Trọng Hà (theo Nikkei) 17/01/2024 16:07 GMT+7
Tỷ lệ sinh vào năm 2023 tại Trung Quốc là 6,39 trên 1.000 người, lập mức thấp kỷ lục sau khi 6,77 ca sinh trên 1.000 người được ghi nhận vào năm 2022.

Dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023. Số liệu thực tế này đang gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi lực lượng lao động dần thu hẹp.

Các con số cho thấy những nỗ lực liên tục nhằm giảm bớt thủ tục đăng ký cư trú và khuyến khích các gia đình sinh thêm con đã không có tác dụng trong việc thúc đẩy tăng trưởng dân số.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết, tổng dân số Trung Quốc giảm khoảng 2,08 triệu, xuống còn 1,409 tỷ vào cuối năm 2023. Mức giảm này mạnh hơn mức 850.000 được ghi nhận vào năm 2022, mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961, khi đất nước trải qua Nạn đói lớn dưới thời lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Tỷ lệ sinh vào năm 2023 là 6,39 trên 1.000 người, lập mức thấp kỷ lục sau khi 6,77 ca sinh trên 1.000 người được ghi nhận vào năm 2022.

Trung Quốc tiếp tục "đau đầu" vì dân số giảm

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong của Trung Quốc lên tới 7,87 trên 1.000 người, sau khi dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 vào cuối năm 2022. Con số này tăng so với 7,37 trường hợp tử vong trên 1.000 người vào năm 2022. Mặc dù chính phủ chưa công bố số ca tử vong liên quan đến thay đổi chính sách Covid-19, Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Hoa Kỳ ước tính có 1,87 triệu ca tử vong chỉ riêng từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 1 năm 2023.

Trung Quốc tiếp tục "đau đầu" vì dân số giảm- Ảnh 1.

Tỷ lệ sinh vào năm 2023 tại Trung Quốc là 6,39 trên 1.000 người, lập mức thấp kỷ lục sau khi 6,77 ca sinh trên 1.000 người được ghi nhận vào năm 2022. Ảnh: Nikkei.

Yun Zhou, nhà nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học Michigan, nói với Nikkei Asia: "Vẫn chưa rõ dữ liệu chính thức công bố đã phản ánh trung thực số ca tử vong do Covid-19 ở Trung Quốc ở mức độ nào, nhưng nhìn vào báo cáo, có thể thấy nó vẫn có chiều hướng lạc quan".

Cai Fang, một chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng sự suy giảm dân số là "bình thường mới", nói rằng con số này đạt đỉnh điểm vào năm 2021.

Cơ quan xếp hạng Moody's cho biết trong một báo cáo năm ngoái: "Cung cấp lao động và năng suất giảm, cùng với chi tiêu xã hội và chăm sóc sức khỏe tăng lên có thể dẫn đến thâm hụt tài chính rộng hơn và gánh nặng nợ cao hơn đối với Trung Quốc trong dài hạn".

Theo Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối tháng 4 năm ngoái với 1,425 tỷ người. Liên Hợp Quốc dự đoán dân số Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 1 tỷ người trước cuối thế kỷ này khi tỷ lệ sinh giảm xuống còn 1,2 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 2022. Điều đó khiến Trung Quốc nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tỷ lệ sinh 2,1 con trên mỗi phụ nữ là cần thiết để giữ dân số ổn định.

Trung Quốc vào năm 2021 đã nới lỏng chính sách mỗi gia đình hai con, cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con. Trước đó, nước này vẫn duy trì chính sách gây tranh cãi là hạn chế các cặp vợ chồng chỉ được sinh một con để hạn chế sự gia tăng dân số.

Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố đã nới lỏng các quy định về đăng ký hộ khẩu để khuyến khích di cư từ khu vực nông thôn. Quyết định này nhằm vào những người trẻ tuổi, khuyến khích họ định cư ở các khu vực thành thị để thúc đẩy nền kinh tế.

Yun Zhou nhấn mạnh, những thách thức vẫn còn bất chấp những động thái tích cực này, vì quỹ đạo tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc phù hợp với các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp khác như Nhật Bản. Nhà nhân khẩu học nói thêm: "Con đường dẫn đến phục hồi mức sinh là một con đường dài và khó khăn, nếu nó xảy ra".

Vào tháng 10/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi nỗ lực nhiều hơn nữa để khuyến khích phụ nữ đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có hướng dẫn để điều chỉnh quan điểm của người trẻ về hôn nhân, sinh con và gia đình, bên cạnh các chính sách hỗ trợ sinh sản và già hóa dân số.

Trong khi dữ liệu mới nhất chưa được tiết lộ, số lượng đăng ký kết hôn đã giảm trong 9 năm liên tiếp xuống còn 6,833 triệu cặp vào năm 2022, chỉ bằng khoảng một nửa so với một thập kỷ trước đó. Những lý do được đưa ra bao gồm sự mất cân bằng giới tính, các cặp vợ chồng trì hoãn kết hôn, khả năng chi trả nhà ở và những bất ổn về triển vọng kinh tế của đất nước.