Dân Việt

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số loại bệnh trên cây cà gai leo và cách phòng trị

Đình Vũ 19/01/2024 08:30 GMT+7
Là loại cây mọc dại nên cà gai leo khá dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân trồng cà gai leo vẫn cần lưu ý một số loại sâu bệnh gây hại cho cây. Chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu về vấn đề này trong số phát sóng hôm nay.

Cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu về một số bệnh trên cây cà gai leo và cách phòng trị

Ngoài những ưu điểm như dễ trồng và phù hợp với môi trường sống khắc nghiệt ngoài tự nhiên, cà gai leo vẫn tồn tại các loại bệnh khi trồng với số lượng lớn. Để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất bà con cần nhận biết được những loại bệnh thường gặp ở cây cà gai leo để có thể đưa ra biện pháp phòng trị kịp thời.

Một số biện pháp phòng tránh sâu bệnh trên cây cà gai leo.

1. Các loại bệnh thường gặp ở cây cà gai leo

- Bệnh nghẹt rễ: Là bệnh sinh lý, không lây lan nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây cà gai leo và làm giảm năng suất nếu không được khắc phục kịp thời. Khi bệnh mới phát sinh ngọn lá úa vàng, đầu lá khô đỏ, trên lá thường xuất hiện những vết đốm màu nâu, biểu hiện trên lá già trước.

- Bệnh đốm lá vi khuẩn: Bệnh xuất hiện từ cây con trong vườn ươm đến cây đã vào giai đoạn thu hoạch. Bệnh gây hại ở phiến lá và quả. Trên cây con ở giai đoạn 2 - 3 lá thật, vết bệnh thường xuất hiện ở chót lá và rìa mép lá dưới dạng vết bệnh tròn nhỏ trong như giọt dầu, thể hiện rất điển hình vào buổi sáng sớm có sương ẩm ướt. Trong điều kiện ẩm độ cao vết bệnh úng nước, thậm chí cây con bị bệnh thối chết. Nếu thời tiết khô, nắng, vết đốm khô cháy, có màu nâu đen.

2. Côn trùng gây hại cho cây cà gai leo

-  Bọ rùa trưởng thành và ấu trùng bọ rùa hại cây trồng. Bọ rùa ấu trùng và trưởng thành ăn biểu bì lá, để lại màng mỏng.

- Lá có thể bị ăn trơ trụi chỉ còn gân chính. Bọ còn ăn trái non, có thể phát hiện những lỗ nông trên bề mặt quả.

- Bọ rùa trưởng thành và ấu trùng thường sống chung với nhau, đều gây hại. Bọ rùa trưởng thành hoạt động ban ngày, nhất là sáng sớm hoặc chiều mát, có tính giả chết khi gặp động, một con cái đẻ 200 - 300 trứng.

- Ấu trùng mới nở, thời gian đầu sống tập trung, sau đó phân theo từng nhóm, ăn biểu bì, mô mềm ở mặt dưới lá, để lại màng mỏng. Càng lớn càng ăn mạnh, có thể ăn hết từng mảng lá làm cây sinh trưởng kém, ruộng rau xơ xác. Khi mật số cao, chúng có thể ăn trụi hết lá những cây còn nhỏ, trong vườn ươm cây khó phục hồi, có thể chết, nhất là cây con.

- Cả ấu trùng và thành trùng đều sống ở mặt dưới lá, cạp biểu bì và nhu mô diệp lục của lá, chỉ còn lại biểu bì trên và gân. Thời gian xuất hiện là từ khi cây còn nhỏ đến khi có trái. Nhiều nhất khi cây ra hoa, có trái non.

3. Các biện pháp phòng tránh sâu bệnh trên cây cà gai leo 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số loại bệnh trên cây cà gai leo và cách phòng trị- Ảnh 1.

Một số biện pháp phòng tránh sâu bệnh trên cây cà gai leo.

- Diệt trừ nguồn bệnh vi khuẩn triệt để như diệt trừ cỏ dại.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng cường sức chống bệnh nhất là chế độ phân bón. Đặc biệt tăng cường bón kali với lượng cao, làm tăng sức kháng bệnh và năng suất. Bón tỷ lệ N:P:K thích hợp, đặc biệt N:K phải thấp hơn 1.

- Không bón thúc đạm quá muộn. Bón vôi, tro bếp cũng có tác dụng hạn chế bệnh.

- Không nên trồng vùng trũng, thấp để tránh trường hợp khó thoát nước dẫn đến câ bị úng rễ, thối rễ

- Ngắt bỏ lá bị hại và lá có nhộng bám, bắt giết bọ non và bọ trưởng thành.

- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt ký chủ phụ, thu dọn tàn dư thực vật, phơi và đốt bỏ.

- Sử dụng giấm gỗ, ớt ngâm thuốc lào, tỏi, rượu,… vẩy lên lá cây cà gai leo nhằm đuổi ấu trùng bọ rùa và bọ rùa trưởng thành.

Trên đây là một số kỹ thuật trồng cây cà gai leo, mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com