Đây là chương trình được tổ chức nhằm góp phần thực hiện chương trình "Giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2021-2025 và giải quyết căn cơ việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững; nữ thanh niên và người lao động có nhu cầu tìm việc trong dịp Tết...
Ngoài ra, chương trình nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp xúc người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên, nữ thanh niên có nhu cầu tìm việc làm, học nghề. Qua đó, tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn hỗ trợ học nghề cho các đối tượng có nhu cầu.
Theo ghi nhận, tại khuôn viên Nhà Thiếu Nhi TP.Thủ Đức (nơi diễn ra sự kiện) hết sức náo nhiệt, rộn ràng với sự góp mặt của hàng chục gian hàng cũng như người tham dự.
Trong số này, có nhiều gian hàng bày bán các sản phẩm handmade độc đáo của phụ nữ khởi nghiệp như túi xách làm từ chất liệu giấy chống nước; giỏ đan thủ công từ lục bình thân thiện với môi trường; các loại hạt, bánh, mứt...
Ngoài ra, rất nhiều gian hàng mang đậm nét văn hóa truyền thống ngày Tết như bán áo dài 0 đồng, gian hàng hoa chưng Tết.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ, chương trình được tổ chức xuyên từ sáng đến tối với nhiều hoạt động thiết thực.
Cụ thể, chương trình tổ chức cho người lao động giao lưu với các doanh nghiệp, công ty với chủ đề "Chia sẻ tinh thần khởi nghiệp – vượt khó, để thành công trong kinh doanh" năm 2024; tổ chức chuyên đề "Kỹ năng, giải pháp quản lý tài chính hiệu quả cho nữ lãnh đạo doanh nghiệp"; chuyên đề "Thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp số hiện nay".
Ngoài ra, chương trình còn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm ưu tiên cho đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bộ đội xuất ngũ có nhu cầu tìm việc làm trên địa bàn TP.Thủ Đức và các quận lân cận.
Đặc biệt, ngày hội còn giới thiệu, kết nối, quảng bá sản phẩm, trưng bày và bán các sản phẩm của nữ doanh nhân và hội viên phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh; trao vốn cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp - khởi sự kinh doanh; trao phương tiện sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn và trao quà cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo nhân dịp Tết Giáp Thìn.
Được biết, để đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả, những sản phẩm trước khi bày bán tại chương trình đều được ban tổ chức kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, an toàn thực phẩm, giá bán.
Ông Nguyễn Lâm, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Lê Thị Riêng (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, trường đã liên kết với Thành hội TP.Thủ Đức để tổ chức dạy một số ngành nghề cho chị em phụ nữ. Hiện tại, trường đang đào tạo một số nghề như chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn... để tạo sinh kế cho các chị em. Sau khi hoàn tất khóa học, các học viên sẽ có chứng chỉ, có thể mở cơ sở tại nhà, hoặc có thể tham gia hoạt động ở các cơ sở trên địa bàn thành phố.
Theo ban tổ chức, từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Thủ Đức đã phối hợp với các đơn vị mở các lớp miễn phí dạy như nấu ăn, dệt may… cho hội viên. Đồng thời, liên kết giới thiệu giúp hơn 200 hội viên phụ nữ có việc làm và nguồn vốn sinh kế ổn định, góp phần thúc đẩy hàng trăm phụ nữ khắp thành phố hăng hái tham gia vào các buổi hội thảo thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn.
Thời điểm cuối năm, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Thủ Đức tiếp tục tiếp cận từng gia đình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của từng gia đình mà đối tượng chính là phụ nữ để xác định lựa chọn và xây dựng phương án hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế phù hợp.