Dân Việt

Ông Zelensky tuyệt vọng xin viện trợ giữa lúc Ukraine bị tấn công dồn dập, Đức đáp lại phũ phàng

Minh Nhật (theo Tass/Europe) 19/01/2024 16:45 GMT+7
Ukraine đã vật lộn với một tuần khó khăn nữa khi các thành phố của nước này vẫn bị Nga tấn công không ngừng, Tổng thống Zelensky lại một lần nữa cầu xin thêm tiền và viện trợ vũ khí từ phương Tây, nhưng Đức đã từ chối yêu cầu cung cấp tên lửa tầm xa Taurus.
Ông Zelensky tuyệt vọng xin viện trợ giữa lúc Ukraine bị tấn công dồn dập, Đức đáp lại phũ phàng- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh IT

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần này đã đưa ra lời khẩn cầu tha thiết tới các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, kêu gọi họ giúp đỡ Ukraine, đừng để cuộc chiến giữa nước này và Nga “đóng băng”.

Ông Zelensky cảnh báo “bất kỳ cuộc xung đột đóng băng nào cuối cùng cũng sẽ bùng phát trở lại”, chỉ ra cách Nga tiếp tục gây hấn sau các nỗ lực “đóng băng cuộc chiến ở Donbass” sau năm 2014. Thay vào đó, ông nói Ukraine cần được cung cấp thêm vũ khí để mang lại “công bằng” và hòa bình ổn định”.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng, sự do dự hiện nay của phương Tây trong việc ủng hộ Kiev đang làm tổn hại thời gian, sinh mạng và có thể kéo dài cuộc chiến trong nhiều năm. Việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev sẽ đảm bảo rằng Moscow không thành công trong cuộc chiến của họ.

Tuy nhiên, những nỗ lực xin viện trợ của Tổng thống Zelensky dường như vẫn chưa đạt được hiệu quả. Bundestag (Quốc hội Đức) đã bác bỏ nghị quyết về việc vận chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus tới Ukraine, DPA đưa tin.

Theo báo cáo, nghị quyết trực tiếp kêu gọi chính phủ liên bang vận chuyển tên lửa tới Kiev đã bị bác bỏ với đa số phiếu.

Trước đó, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã kêu gọi vận chuyển tên lửa Taurus tới Kiev. Một số chính trị gia Đức thậm chí còn công khai kêu gọi tấn công lãnh thổ Nga, theo Tass.

Trên thực tế, Kiev đã yêu cầu Berlin chuyển giao những tên lửa này cho họ trong một thời gian dài, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đáp lại những yêu cầu đó một cách kiềm chế và cuối cùng quyết định không thực hiện điều đó vào đầu tháng 10/2023 vì lo ngại động thái này sẽ lôi kéo Đức vào cuộc xung đột với Nga . Ông lưu ý rằng, việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không và đạn pháo vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đức.

Khoảng 600 tên lửa Taurus đã được mua cho lực lượng vũ trang Đức cách đây 10 năm. Những tên lửa này mạnh tương tự như tên lửa Storm Shadow của Anh, đã được chuyển tới Ukraine.

Tuy nhiên, tên lửa Taurus do Đức-Thụy Điển chế tạo có tầm bắn lớn hơn một chút, lên tới 500km. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng, các chuyến hàng vũ khí từ phương Tây tới Kiev và việc huấn luyện quân nhân Ukraine chỉ kéo dài cuộc xung đột và sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường.

Tên lửa có chiều dài 5m, sải cánh 2,1m, trọng lượng 1.400kg, vận tốc cận âm khoảng 1.100km/h. TAURUS được thiết kế để gây sát thương chính xác cao cho các mục tiêu kiên cố ở cự ly lên tới 500km. Tên lửa trang bị đầu đạn kép nặng 500kg, có thể xuyên thủng lớp bê tông dày tới 6m với độ chính xác tới 2-3 m. Điểm đặc biệt của Taurus là nếu không xác định được mục tiêu, tên lửa sẽ tự hủy trên không để tránh hậu quả không mong muốn.