Chuyện tình cảm học trò cảm mến nhau, viết thư tỏ tình hay dành những cử chỉ thân mật, lời quan tâm cho nhau là điều dễ bắt gặp và không khó hiểu. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều học sinh tiểu học cũng tuyên bố có người yêu, thậm chí còn nắm tay, "thơm" nhau trên lớp khiến phụ huynh lo lắng.
Mới đây, một phụ huynh đã chia sẻ câu chuyện và mong tìm được tư vấn về việc con gái 6 tuổi... yêu sớm. Người mẹ này kể: "Con gái tôi gần 6 tuổi, ngoại hình xinh xắn và rất để ý hình thức. Hôm nay con học về kể chuyện nghiêm túc là con và 1 bạn trai ở lớp đang "yêu nhau". Hai bạn đã thơm nhau ở trên lớp. Tôi vô cùng sốc và choáng váng vì không nghĩ rằng con đang còn nhỏ như vậy nhưng đã có tình cảm và hành động đáng lo ngại. Không biết có phải là con lớn sớm trước tuổi, có phải sai lầm của tôi là dạy con chú ý ăn mặc đẹp, đầu tóc gọn gàng. Tôi hoang mang không biết phải làm gì với con".
Không chỉ có phụ huynh này mà một số cha mẹ khác cũng nghe con thổ lộ về việc có... người yêu. Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Hoàng Thu Thủy, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Mới đây thôi con trai tôi học về thủ thỉ con thích bạn T. học cùng lớp và sau này sẽ lấy bạn làm vợ". Không có gì đáng lo ngại nếu như con trai chị không chia sẻ tiếp là lúc nào cũng muốn nắm tay, ôm và thơm bạn, không muốn cho bạn trai khác tiếp xúc với bạn T.
Còn chị Trần Mai Hà, có con học lớp 3 ở Hà Nội cũng từng bật cười khi con gái thất thểu nói: "Mẹ ơi hôm nay con bị thất tình. Bạn Nhật Nam "cắm sừng" con".
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Tâm lý trẻ em – cha mẹ Nguyễn Tú Anh cho hay: "Trẻ nhỏ chịu ảnh hưởng không chỉ từ cách nuôi dạy của cha mẹ mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ yếu tố môi trường xung quanh. Môi trường xung quanh ở đây không chỉ nằm ở việc người khác nói gì hay người khác dạy dỗ điều gì mà còn nằm ở việc trẻ quan sát học hỏi theo cách riêng và bị tiếp thu một cách bị động những thông tin đôi khi không phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên cha mẹ lại không hề hay biết.
Điều đặc biệt, trẻ em ngày nay đang sống chung với các thiết bị điện tử. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ và không quản lý được việc trẻ xem những nội dung gì hay người lớn nói điều gì thì sẽ không thể biết được trẻ đã nghe gì, học gì và tự đúc kết điều gì cho mình.
Ví dụ điển hình, có rất nhiều phụ huynh giao hoàn toàn cho con một chiếc điện thoại di động và tôi đã rất nhiều lần nhìn thấy trẻ được tự do xem những nội dung trên Tiktok và YouTube. Trong khi đó, ba mẹ ngồi kế bên không hề hay biết và không hề nhìn vào màn hình của con đang xem những nội dung gì. Ai cũng biết Tiktok hoặc YouTube hoặc bất kỳ một mạng xã hội nào khác đôi khi có những nội dung tự động hiện lên nằm ngoài kiểm soát. Vì vậy trẻ dễ xem được những nội dung không phù hợp với xác suất rất cao.
Ngoài ra việc cha mẹ một cách vô tình đã trò chuyện những chủ đề liên quan đến chuyện "người lớn"... Chúng ta có thể nghĩ là trẻ đang bận chơi không để ý nhưng thực tế rất nhiều điều chúng ta nói trẻ em đều nghe và ghi nhận hết. Vì vậy với trường hợp này cha mẹ cần phải đánh giá lại xem môi trường xung quanh con để điều chỉnh".
Theo chuyên gia Phí Mai Chi, trước tiên cần làm rõ khái niệm thế nào là "yêu sớm" ở tuổi học trò. Dưới góc nhìn của người lớn, học trò thì phải tập trung vào học không nên yêu, khái niệm "yêu sớm" xuất hiện. Nhưng theo tiến trình phát triển tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học thì "yêu" là chuyện rất hợp quy luật.
Về cảm xúc giới tính, trẻ thường được thu hút bởi "cái đẹp". Các khái niệm đẹp về giới tính dần được hình thành ở giai đoạn này. Trẻ thích kết bạn với người xinh đẹp, học giỏi cùng giới. Quan tâm tới vẻ đẹp của bạn khác giới thông qua việc trêu chọc, cho mượn sách vở, đồ dùng... Vì vậy nhiều bé gái tiểu học thích các bạn nam đẹp trai, học giỏi và ngược lại. Ở tuổi tiểu học trẻ học về cách cảm nhận cái đẹp, cách gọi thế nào là đẹp, học cách kết bạn. Đây là quá trình học hỏi đúng tiến trình tâm sinh lý bình thường.
Với các con tiểu học có tình cảm gọi là "yêu" thì cha mẹ không nên quá lo lắng mà nên mừng vì các trường hợp đa phần xử lý khá đơn giản nếu bắt đầu từ sớm. Những trẻ có khả năng cảm nhận và biểu cảm cảm xúc là những bé có xu hướng học hỏi rất tốt, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tư vấn: "Dậy thì được coi là sớm nếu trẻ bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Khi hormone thay đổi sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ... Bé gái thường dậy thì sớm hơn bé trai và việc này mang lại lợi ích cho trẻ là thấy chững chạc hơn, suy nghĩ tích cực hơn. Một số trẻ ngược lại hay tranh cãi người lớn, thích bạn khác giới.
Cha mẹ có thể kéo chậm, kéo dài tiền dậy thì bằng các chế độ như ăn uống phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao.
Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục, thể thao ít nhất là 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần để duy trì cân nặng hợp lý cũng như có sức khỏe tối ưu.
Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosteron. Ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục; tránh đồ có BPA, phtalate (đồ nhựa có tam giác tái chế số 7 và số 3).
Cha mẹ cần giáo dục giới tính, hướng dẫn vệ sinh cho trẻ. Đặc biệt là hạn chế một số chương trình truyền hình, kiểm soát trẻ khi xem điện thoại. Nếu có các dấu hiệu của dậy thì sớm ở cả trẻ nam và nữ, cha mẹ nên đưa con đi khám và tư vấn sớm".