Chiều 19/1, TAND Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm với Nguyễn Văn Nhân, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng (3 cựu cán bộ công an) bắn chết dê của người dân, xảy ra ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Ba người này bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố về tội "Trộm cắp tài sản". Họ bị cáo buộc đã bắn chết 2 con dê của người dân hồi tháng 6/2023.
Theo đó, tòa phạt bị cáo Nguyễn Văn Nhân mức án 8 tháng tù, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng mỗi người 7 tháng tù, cùng về tội trộm cắp tài sản.
Ngoài ra, tòa còn tuyên tịch thu để sung công đối với chiếc xe ô tô đứng tên bị cáo Tùng. Đây là chiếc xe mà nhóm bị cáo sử dụng khi gây án.
HĐXX nhận định, vụ án có tính chất đồng phạm giản đơn, trong đó bị cáo Nhân giữ vai trò khởi xướng, cũng là người trực tiếp nổ súng bắn hạ 2 con dê. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Hành vi phạm tội của 3 bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người dân, làm suy giảm lòng tin của người dân với lực lượng công an…
Tuy vậy, cả 3 được ghi nhận có nhân thân tốt, nhiều thành tích trong công tác, quá trình giải quyết vụ án đã ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả (20 triệu đồng), đồng thời được bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, 3 cựu cán bộ công an đều thừa nhận cáo buộc của viện kiểm sát. Thế nhưng, cả 3 lại khai rằng bắn 2 con dê của người dân vì "nghĩ đây là dê hoang", chỉ đến khi bị chặn bắt mới phát hiện đã bắn nhầm.
Lời khai này bị đại diện viện kiểm sát đánh giá là không thành khẩn, không ăn năn hối cải. Các bị cáo thống nhất khai báo (về việc nghĩ là dê hoang), nhằm trốn tránh trách nhiệm, thể hiện ý thức coi thường pháp luật.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là bài học đắt giá đối với các bị cáo khi thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, suy thoái về tư tưởng lối sống dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đối với vấn đề dân sự và xử lý vật chứng, tòa án đã giải quyết đúng quy định của pháp luật. Số tiền 20 triệu đồng là các bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả nên bị hại có quyền nhận để khắc phục những thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra.
Ngoài ra, kết quả xét xử cho thấy chiếc xe ô tô của bị cáo Tùng được sử dụng làm phương tiện gây án, chiếc xe này thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị cáo nên căn cứ vào Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng của vụ án, tòa án quyết định tịch thu xử lý để xung công quỹ nhà nước là có căn cứ.
Ông Cường thông tin, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.
Từ bình luận trên, ông Cường cho biết, chiếc xe ô tô của bị cáo Tùng là công cụ phương tiện gây án, là vật chứng của vụ án hình sự nên bị tịch thu xung công quỹ là đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.