Khung phạt tội danh ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch Bắc Ninh bị khởi tố

Quang Trung Thứ sáu, ngày 19/01/2024 18:24 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan Công ty AIC. Tội nhận hối lộ mà ông Quỳnh bị khởi tố được Bộ luật hình sự quy định ra sao?
Bình luận 0

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị bắt

Ngày 19/1, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về tội Nhận hối lộ.

Khung phạt tội danh ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch Bắc Ninh bị khởi tố- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Cùng tội danh trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Hạnh Chung, cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Nhường, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) bị Bộ Công an khởi tố tội Đưa hối lộ.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, các quyết định nêu trên là động thái trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế (Sở Y tế Bắc Ninh), Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Nhận hối lộ là hành vi cố ý

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội nhận hối lộ mà ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị khởi tố được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự, là một trong những tội danh thuộc nhóm tội về tham nhũng và chức vụ.

Điều 354 Bộ luật hình sự quy định, tội nhận hối lộ có mức phạt thấp nhất là 2 đến 7 năm và cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đây là hình phạt bổ sung của tội danh.

Theo luật sư Thơ, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất khác) dưới bất kỳ hình thức nào cho chính bản thân hoặc cho người khác hoặc cho tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tội này xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín và làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.

Người phạm tội nhận hối lộ thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý, tức là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn thực hiện được hành vi phạm tội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem