Trường Đại học giao thông vận tải mới đây công bố thông tin tuyển sinh năm 2024. Trường tuyển 6.000 chỉ tiêu, trong đó tại Hà Nội: 4.500, tại Phân hiệu TP.HCM: 1.500.
Nhà trường xét tuyển theo 4 phương thức. Với cơ sở tại Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải có xét học bạ. Cụ thể, sử dụng kết quả học tập THPT để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh.
Điều kiện là thí sinh tốt nghiệp THPT có tổng điểm ba môn học trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau), trong đó điểm của ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5,50 điểm.
Với thí sinh dùng tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) thay thế cho điểm học bạ môn tiếng Anh và được quy đổi theo quy định của nhà trường.
Tại Hà Nội, mới chỉ có vài trường công bố thông tin tuyển sinh năm 2024.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội năm 2024 cũng xét học bạ trong năm 2024. Nhà trường tuyển 1.050 chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo với 4 phương thức tuyển sinh.
Trường xét học bạ thí sinh có điểm trung bình cộng các môn Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học của năm học lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (dự tuyển đợt 1, 2) hoặc lớp 11 và lớp 12 (dự tuyển đợt 3) từ 8,80/10 đến dưới 9,20/10.
Riêng ngành Dược học ngoài mức điểm trung bình cộng như trên, thí sinh cần có thêm chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 hoặc TOEFL iBT đạt từ 35 điểm trở lên.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường xét học bạ ở Hà Nội với 15% chỉ tiêu. Nhà trường cho biết, đề án tuyển sinh sẽ được công bố trước 15/3/2024. Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 52 ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy theo 6 phương thức tuyển sinh.
Năm 2024, Trường Đại học Thăng Long tuyển sinh theo 5 phương thức là xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ); Xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT (học bạ) với điểm thi năng khiếu.
Với phương thức xét học bạ năm 2024, điều kiện xét tuyển là thí sinh có kết quả thi (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) của 3 môn: Toán, Hóa học, Sinh học đạt tối thiểu từ 19,5/30 điểm trở lên, không có đầu điểm nào < 5.0; hạnh kiểm lớp 12 đạt loại Khá trở lên.
Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh khá sớm, năm 2024 trường tuyển 6.200 sinh viên, bằng năm 2023, nhưng nhà trường không còn xét tuyển bằng học bạ, dành một nửa chỉ tiêu để xét tuyển theo điểm chứng chỉ và các kỳ thi riêng.
Xét học bạ là phương thức phổ biến và được các trường và thí sinh ưa chuộng trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, từ năm 2016 đến nay, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết trong số hơn 240 trường đại học, học viện trên cả nước dành chỉ tiêu cho phương thức này.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, phương thức này nên được loại bỏ vì dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, chạy điểm, làm đẹp học bạ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai.
Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GDĐT ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.
Theo Bộ GDĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.