Tuyển sinh năm 2024: Cơ hội vào đại học, đỗ ngành yêu thích rộng mở
Tuyển sinh năm 2024: Cơ hội vào đại học, đỗ ngành yêu thích rộng mở
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 19/01/2024 06:32 AM (GMT+7)
Tuyển sinh đại học năm 2024 chứng kiến nhiều trường đại học mở rộng thêm các ngành học và các phương thức cũng được điều chỉnh phù hợp với chất lượng đào tạo của từng trường.
Nhiều cơ hội cho thí sinh trong tuyển sinh đại học năm 2024
Trường Đại học Phenikaa mới đây vừa công bố sẽ tuyển sinh 9.896 chỉ tiêu cho năm 2024. Năm nay, Trường Đại học Phenikaa mở thêm 8 ngành/chương trình đào tạo: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn); An toàn thông tin; Trí tuệ nhân tạo, Marketing; Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện và Y học cổ tuyển, nâng số ngành/chương trình đào tạo tuyển sinh 48 và chỉ tiêu tuyển sinh là 9.896.
Cùng với đó, phương thức tuyển sinh có sự thay đổi so với năm 2023: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; Xét tuyển dựa vào học bạ THPT; Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi dánh giá năng lực vủa Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Năm 2024, Trường ĐH Nông TP.HCM tuyển khoảng 5.095 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ từ 25-30% tổng chỉ tiêu, so với năm 2023. Lần đầu tiên trường xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp với thí sinh có chứng chỉ IELTS và TOEFL.
Nhiều trường khác cũng cho biết mở thêm ngành mới trong tuyển sinh năm nay. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, dự kiến mở ngành mới là điện ảnh và nghệ thuật đại chúng. Đây cũng là những ngành học không thuộc thế mạnh của nhà trường.
Theo lý giải của đại diện Phòng Đào tạo, trường mở ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, trường không hướng tới đào tạo diễn xuất mà chú ý về kịch bản, phê bình điện ảnh một cách bài bản.
Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 4 ngành mới thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin. Quy mô tuyển sinh dự kiến khoảng 50-100 chỉ tiêu mỗi ngành, đào tạo cả bậc cử nhân và kỹ sư.
Các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM như Đại học Bách khoa mở thêm ngành Thiết kế vi mạch, Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu và 3 chuyên ngành mới gồm: Quản lý xây dựng, Hóa dược, Hóa mỹ phẩm. Đại học Công nghệ thông tin xét tuyển 150 chỉ tiêu với ngành mới là thiết kế vi mạch với hai tổ hợp môn xét tuyển A00 (Toán - Lý - Hóa) và A01 (Toán - Lý - tiếng Anh).
Ông Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định cho biết, năm 2024 nhà trường mở thêm 3 chuyên ngành mới gồm: Xây dựng và quản trị kênh truyền thông độc lập, quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính. Các phương thức tuyển sinh cho 48 ngành/chuyên ngành gồm: xét học bạ THPT, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, xét điểm thi Đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
"Trong năm nay, nhà trường cũng tăng cường tỷ lệ xét tuyển học bạ THPT từ 60% lên 70%. Điều này cũng giúp cho học sinh có thể xét tuyển sớm và tăng tỷ lệ trúng tuyển cao hơn", ông Trịnh Hữu Chung nói.
Ngoài ra, Đại học Mở TP.HCM cũng dự kiến tuyển sinh 4 ngành mới gồm: bảo hiểm, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo và kiểm toán chất lượng cao.
Thí sinh vẫn có cơ hội xét học bạ
Nếu như năm 2023, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành 10% chỉ tiêu (của phương thức xét tuyển kết hợp) để xét tuyển điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT đối với thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc, học sinh hệ chuyên các trường THPT trọng điểm quốc gia, thì 2024, nhà trường không dùng điểm học bạ trong xét tuyển.
Lý giải nguyên nhân, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không đề cập đến vấn đề chất lượng hay độ tin cậy của học bạ mà cho rằng, việc không xét tuyển bằng học bạ để giảm tỷ lệ thí sinh ảo mà không gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh cũng như không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh bởi thực chất, nhóm này có học lực rất giỏi và các em trúng tuyển thường không sử dụng đến điểm học bạ.
Trong khi nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, nếu chỉ dựa vào học bạ sẽ khó đảm bảo khách quan vì không tránh khỏi hiện tượng chạy điểm, xin điểm, làm đẹp học bạ...ở cấp THPT thì Trường ĐH Ngoại thương và nhiều trường vẫn kiên định với phương thức tuyển sinh cũ, bao gồm phương thức xét tuyển học bạ.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, chúng ta không nên có tâm lý phủ nhận kết quả đánh giá trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông mà nên tôn trọng, chấp nhận có cơ sở khoa học và đồng hành để giúp hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng tốt hơn và tiệm cận với giáo dục quốc tế.
Do đó, năm 2024, với nhóm phương thức có xét tuyển học bạ, nhà trường yêu cầu thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện "có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên".
Mặt khác, quá trình theo dõi, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên được xét tuyển ở các phương thức khác nhau, nhà trường nhận định chất lượng sinh viên đảm bảo đồng đều giữa các phương thức. Đây là lý do trường giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm 2023, tránh việc gây xáo trộn tâm lý thí sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.