Dân Việt

Đề thi Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa 2024: Nhiều thí sinh kêu "trúng tủ"

Tào Nga 21/01/2024 20:29 GMT+7
Ngay sau khi kết thúc bài thi Đánh giá tư duy đợt 2 năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội, có nhiều thí sinh cho biết đã "trúng tủ" đề thi.

Đề thi Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội 2024: Nhiều thí sinh nói "trúng tủ"

Sáng 21/1, hơn 5.000 thí sinh dự thi đánh giá tư duy đợt 2 do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức để xét tuyển vào các trường đại học năm 2024. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc bài thi, nhiều thí sinh cho biết rất vui mừng khi đã "trúng tủ" đề thi.

Cụ thể, một số thí sinh cho biết đã thi đúng vào những câu hỏi về Hóa học, Sinh học hay có thí sinh thì nói đã từng học trước phần đọc hiểu, phần khoa học... Đặc biệt, ngữ liệu về ChatGPT cũng được nhắc đến trong đề thi là phần mà nhiều thí sinh đã ôn luyện. 

Đề thi Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa 2024: Nhiều thí sinh kêu "trúng tủ"- Ảnh 1.

Đề thi Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa 2024: Nhiều thí sinh kêu "trúng tủ"- Ảnh 2.

Đề thi Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa 2024: Nhiều thí sinh kêu "trúng tủ"- Ảnh 3.

Nhiều thí sinh cho biết đã trúng tủ đề thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: CMH

Thông tin đề thi Đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội trùng với nội dung ôn luyện của thí sinh khiến nhiều người hoang mang, lo lắng bởi đây là kỳ thi được đánh giá cao về cấu trúc bài thi, chất lượng câu hỏi cũng như hình thức tổ chức. 

Thực hư thí sinh "trúng tủ" đề thi đánh giá tư duy

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy môn Hóa học ở Hà Nội cho biết: "Tôi cũng thấy nhiều thí sinh nói trúng tủ nhưng theo tôi, trúng tủ ở đây là ngữ liệu đề thi "chạm" đến khái niệm đã được học sinh ôn luyện. Ví dụ như câu hỏi về ChatGPT, không phải đúng bài đọc đó nhưng chủ đề về ChatGPT đã được học trước đó nên các em nói mình "trúng tủ".

Theo thầy Ngọc, đề thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội không giới hạn về kiến thức, chủ đề nên việc thí sinh trúng tủ rất khó. Cùng chủ đề đó nhưng khai thác nhiều góc độ khác nhau, câu hỏi khác nhau, công thức sử dụng cũng khác nhau. Mặc dù vậy, trong không khí căng thẳng của kỳ thi, làm trên máy tính, thời gian liên tục, câu hỏi khó mà gặp đúng chủ đề đã từng làm sẽ giúp cho thí sinh có tâm lý thoải mái hơn, làm bài sẽ tốt hơn. 

"Tôi đánh giá cao kỳ thi này vì được xây dựng chuẩn hóa quốc tế. Cách thức ra đề thi, cách thức đặt vấn đề mới mẻ, hiện đại, triết lý của kỳ thi hay, không nhằm vào kiểm tra kiến thức mà đánh giá năng lực đọc hiểu, phân tích, xử lý thông tin. Đây là những kỹ năng rất cần thiết trong thế kỷ 21 này. 

Ví dụ phần Đọc hiểu, học sinh hiện nay bị ảnh hưởng mạng xã hội nên tập trung đọc hiểu rất kém. Chỉ cần đọc bài viết dài khoảng 10 dòng là các em sẵn sàng bỏ qua, clip cũng phải có thời gian ngắn. Khi học tập gặp những bộ giáo trình dày, dài như sinh viên Y phải đọc giải phẫu, sinh viên Luật phải đọc bộ luật... mà văn hóa đọc như vậy sẽ không học tốt được. Bên cạnh đó, kỳ thi này cũng đón đầu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT mới, thuận lợi cho thí sinh vì không phụ thuộc vào việc chọn học tổ hợp những môn học nào", thầy Ngọc cho hay.

Lời khuyên dành cho học sinh, theo thầy Ngọc: "Các em không nên ôn luyện học tủ vì đây là kỳ thi đánh giá tư duy. Tuy nhiên, do quỹ thời gian làm bài ngắn, câu hỏi khó nên các em cần chủ động rèn luyện về kỳ thi, đọc nhiều văn bản báo chí, công nghệ, sách giáo khoa để nắm được khái niệm cơ bản. Các em cũng nên thi nhiều lần để có kết quả tốt nhất vì thi lần 1 còn bỡ ngỡ. Học sinh lớp 11 cũng nên thi thử để có thêm kết quả, chủ động cho việc xét tuyển đại học sau này".

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2024, đơn vị này có tổng 6 đợt thi. Việc nhà trường bố trí kỳ thi diễn ra sớm nhằm giúp thí sinh làm quen với nội dung và cấu trúc bài thi, phần mềm thi, đặc biệt là đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Định dạng cấu trúc bài thi gồm 3 thành phần là tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học, giải quyết vấn đề. Cấu trúc thời gian vẫn 60-30-60 phút, thang điểm 100. Nội dung các phần thi không đi sâu vào kiểm tra kiến thức các môn học mà tập trung vào đánh giá năng lực tư duy riêng biệt. Đặc biệt, phần tư duy khoa học không còn tồn tại khái niệm tổ hợp môn học, phù hợp với nội dung của chương trình THPT mới.

Với định hướng như vậy, các em học sinh chương trình phổ thông mới có thể tham gia kỳ thi mà không phụ thuộc vào việc em chọn học tổ hợp những môn học nào. Đây chính là điểm đặc biệt của kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, kết quả thi sẽ có giá trị trong hai năm để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học.

Vào giữa tháng 12/2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố kết quả thi đánh giá tư duy đợt 1. Năm nay, trường không chỉ công bố điểm tổng các phần thi như năm trước mà công bố cả điểm thành phần, gồm điểm Toán, Đọc hiểu, Khoa học/Giải quyết vấn đề. Điểm trung bình của hơn 2.700 thí sinh dự kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 của Đại học Bách khoa Hà Nội là 52,48/100, cao nhất là 95,85 điểm.