Bộ GDĐT đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp: Giáo viên tranh luận

Tào Nga Chủ nhật, ngày 21/01/2024 10:00 AM (GMT+7)
Trước đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp giúp việc hành nghề của giáo viên thuận lợi hơn, tôn vinh nhà giáo và theo thông lệ nhiều ngành nghề khác, nhiều giáo viên đã bày tỏ quan điểm của mình.
Bình luận 0

Tranh cãi nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp

Mới đây tại TP.HCM, Bộ GDĐT đã tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ GDĐT nêu 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 95-NQ/CP ngày 7/7/2023, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Quy định dự kiến giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo. Giấy này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay, được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Bộ GDĐT đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp: Giáo viên tranh luận - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Ảnh minh họa: Tào Nga

Thông tin này lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giáo viên và những người quan tâm đến giáo dục. Một ý kiến cho hay: "Hiện nay có nhiều giáo viên thực sự không đạt chuẩn, rất kém cả về đạo đức lẫn chuyên môn... Thầy cô vào lớp thì giảng dạy láng cháng, qua loa để lôi kéo, bắt buộc học sinh học thêm. Kiến thức giáo viên tụt hậu, không chịu đổi mới, cập nhật... dẫn đến hậu quả nhãn tiền là tỷ lệ thất nghiệp cao, sinh viên đại học không viết nổi 1 lá đơn. Thế nên Bộ GDĐT siết chặt lại là đúng".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là không cần thiết, dễ dẫn đến tiêu cực.

Nhà văn, nhà giáo Thái Hạo bày tỏ: "Đây là một loại giấy phép con, thừa thãi và không thực tế. Thừa vì đã có bằng sư phạm do một trường chuyên ngành là đại học sư phạm cấp, có chuẩn nghề nghiệp giáo viên, có chứng nhận chức danh nghề nghiệp và bao nhiêu những đánh giá xếp loại, thi đua hàng năm đang làm bù đầu rối tóc hàng triệu giáo viên cả nước suốt bao nhiêu năm qua.

Ở Mỹ, người muốn đi dạy phải có giấy phép hành nghề giáo viên nhưng giấy này do hội nghề nghiệp cấp, không liên quan gì nhà nước cả. Chúng ta hình dung đơn sơ rằng mỗi ngành nghề đều có hội. Một người tham gia vào hội ấy (được cấp giấy phép hành nghề) là để hội thay mặt toàn xã hội quản lý hội viên của mình về mặt đạo đức, về việc thực hiện các quy định pháp luật..., đồng thời để hội viên được hội bảo vệ trước các rủi ro nhiều mặt. Vậy giáo viên cần giấy chứng nhận nghề nghiệp để làm gì?".

TS. Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô; đồng trưởng nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục và chính sách, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội nêu quan điểm: "Bao lâu nay chúng ta đấu tranh để cắt hết các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm gây rườm rà, mất tiền bạc, công sức cho giáo viên. Trong khi Bộ Nội vụ đã "cắt" đi thì nay Bộ GDĐT lại đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Tôi thấy như vậy là không hợp lý.

Nếu như có trường hợp giáo viên không tốt nghiệp trường sư phạm, ai muốn đi dạy cũng được thì mới cần giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Nói đơn giản như một sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa cơ bản muốn làm giáo viên Hóa thì cần phải có giấy chứng nhận. Thầy cô giáo tốt nghiệp ở các trường sư phạm ra công tác không phải là sự công nhận nghề nghiệp đó hay sao?

Tôi biết, sau khi có thông tin này, rất nhiều giáo viên choáng, sốc, hoang mang. Đề xuất này gây mất thời gian, công sức trong khi giáo viên đang ngổn ngang bao nhiêu việc để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Họ vừa phải nghiên cứu chương trình mới, sách mới, cách dạy mới vừa chịu sức ép của xã hội. Xin đừng bắt giáo viên khổ thêm nữa".

Bộ GDĐT lý giải vì sao nhà giáo cần giấy chứng nhận nghề nghiệp

Liên quan đến đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cho hay: "Ở nhiều nước, giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Đây là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên. Nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam như luật sư, bác sĩ cũng đã có quy định về chứng chỉ hành nghề. Phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Chứng chỉ là minh chứng người đó đủ năng lực để làm công việc đó. Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế những cái này với các tiêu chí cụ thể. Giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo".

Ông Đức cũng khẳng định: "Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí. Những nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, trường chỉ cần lập danh sách và cơ quan quản lý giáo dục cấp giấy chứng nhận, không cần thủ tục gì cả.

Những người mới vào nghề hay đang tập sự thì cần làm thủ tục cấp chứng nhận. Những nhà giáo đã nghỉ hưu cũng có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp (nếu có nhu cầu). Giấy chứng nhận nghề nghiệp là căn cứ để xác nhận một người có đủ năng lực, kỹ năng làm giáo viên. Giấy này có giá trị toàn quốc nên khi chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ trường công ra trường tư, giáo viên chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận này mà không phải trải qua tập sự. Tuy nhiên, tùy cơ sở giáo dục, họ có thể sẽ có thêm kiểm tra, đánh giá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem