Quân đội Mỹ cho biết hai đặc nhiệm SEAL (Hải cẩu) của Hải quân nước này đã thiệt mạng sau 10 ngày mất tích trong chiến dịch thu giữ một con tàu được cho là đang chở vũ khí cung cấp cho lực lượng Houthi ở Yemen.
Trong một tuyên bố ngày 21/1, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết cuộc tìm kiếm hai người lính hiện đã được chuyển sang nỗ lực trục vớt thi thể. Tên của hai đặc nhiệm SEAL vẫn chưa được tiết lộ.
Theo CENTCOM, trước đó, các tàu và máy bay của Mỹ, Nhật Bản và Tây Ban Nha liên tục tìm kiếm trên khu vực rộng hơn 21.000 dặm vuông với sự hỗ trợ từ Trung tâm Hải dương học và Khí tượng Số Hạm đội, Bộ chỉ huy Khu vực Đại Tây Dương của Cảnh sát biển Mỹ, Đại học San Diego – Viện Hải dương học Scripts và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân.
Tướng Erik Kurilla, người đứng đầu CENTCOM, cho biết: “Chúng tôi thương tiếc sự mất mát của hai đặc nhiệm Chiến tranh Đặc biệt Hải quân và chúng tôi sẽ mãi mãi tôn vinh sự hy sinh và tấm gương của họ”.
Theo các quan chức, cuộc đột kích ngày 11/1 nhằm vào một con tàu không treo cờ, chở vũ khí bất hợp pháp được cho là do Iran sản xuất cho phiến quân Houthi ở Yemen. Các biệt kích đã xuất phát từ tàu USS Lewis B. Puller, một căn cứ trên biển di động, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái và trực thăng.
Vào lúc 8 giờ tối, khi cả đội đang lên con tàu nghi vấn ở vùng biển rộng với sóng cao 2,4 mét, một lính biệt kích SEAL đã bị sóng lớn hất xuống biển và một người khác lặn bám theo để cứu đồng đội - theo đúng quy trình cho một sự cố như vậy. Hai người này sau đó được thông báo mất tích.
Trong cuộc đột kích, đội SEAL đã thu giữ một loạt vũ khí được cho là do Iran sản xuất, bao gồm các thành phần tên lửa hành trình và đạn đạo như thiết bị đẩy, dẫn đường và đầu đạn, cũng như các bộ phận phòng không.
CENTCOM cho biết trong một tuyên bố ngày 21/1: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng sau 10 ngày tìm kiếm toàn diện, hai đặc nhiệm SEAL bị mất tích của chúng tôi vẫn chưa được xác định và trạng thái của họ được thay đổi thành đã chết”.
Tuyên bố nói thêm: “Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ hai đặc nhiệm Hải quân mất tích khi lên tàu trái phép chở vũ khí tiên tiến của Iran, đã kết thúc và chúng tôi hiện đang tiến hành các hoạt động tìm kiếm xác”.
CENTCOM mô tả việc thu giữ các bộ phận tên lửa là “vụ thu giữ vũ khí thông thường tiên tiến gây chết người đầu tiên do Iran cung cấp cho người Houthi kể từ khi Houthi bắt đầu tấn công các tàu hàng vào tháng 11/2023”.
Cuộc đột kích trên đánh dấu vụ bắt giữ mới nhất của Hải quân Mỹ và các đồng minh đối với các chuyến hàng vũ khí cung cấp cho quân nổi dậy ở Yemen - nhóm đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công đe dọa thương mại toàn cầu ở Biển Đỏ và Vịnh Aden.
CENTCOM cho biết Hải quân Mỹ cuối cùng đã đánh chìm con tàu chở vũ khí sau khi cho rằng nó không an toàn. 14 thủy thủ của tàu đã bị bắt giữ.
Vào tháng 10/2023, lực lượng Houthi bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu ở Biển Đỏ mà họ tuyên bố có liên quan đến Israel. Họ gọi các cuộc tấn công như vậy là nhằm hỗ trợ người Palestine ở Gaza, nơi đang hứng chịu nhiều tổn thất đau thương do chiến dịch quân sự của Israel nhằm xoá sổ Hamas.
Đêm 11/1, Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công vào hàng chục mục tiêu của phiến quân Houthi, và kể từ đó, lực lượng Mỹ tiếp tục tổ chức nhiều vòng không kích nhằm tiêu giảm năng lực quân sự của phiến quân Yemen.
Trong khi đó, Houthi – nhóm cũng tuyên bố các lợi ích của Mỹ và Anh là mục tiêu hợp pháp của họ - thì vẫn chưa bị răn đe và tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở khu vực Biển Đỏ.
Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua eo biển Bab al-Mandeb, lối vào Biển Đỏ giữa Tây Nam Yemen và Djibouti, nhưng các cuộc tấn công của phiến quân đã khiến nhiều chuyến hàng hải phải chuyển hướng đi xa thêm cả ngàn hải lý vòng quanh châu Phi.