Vừa qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin đáng chú ý liên quan tới việc ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên phó chủ tịch quận 1 TP.HCM và hiện là một VĐV chạy marathon phong trào được nhiều người biết đến tại Việt Nam) đăng đàn phản đối VĐV Nguyễn Văn Long (người Việt đầu tiên được ghi nhận chạy xuyên Việt từ Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh) đến đất mũi Cà Mau với quãng đường 2656km trong 34 ngày liên tục, trung bình mỗi ngày gần 80km hồi năm 2022) chạy xuyên Việt với mục đích lan tỏa năng lượng tích cực, tinh thần yêu thể thao và quyên góp tiền hỗ trợ những trẻ em nghèo tại Gia Lai quê hương của Long.
Lý do chủ yếu khiến ông Đoàn Ngọc Hải can ngăn Nguyễn Văn Long vì lo anh sẽ gặp nguy hiểm trên hành trình chạy vì không đảm bảo an toàn giao thông.
Lập tức, Nguyễn Văn Long đã lên tiếng bác lại ý kiến của ông Đoàn Ngọc Hải khi nhấn mạnh năm 2022 anh chạy trên đường an toàn, không gây ảnh hưởng đến giao thông và cộng đồng.
Nguyễn Văn Long nhấn mạnh ở Việt Nam và thế giới có nhiều người chạy khắp nơi trên đường để tạo lập kỷ lục, không ai bị cấm cản. Nếu cấm, theo Long, việc cộng đồng chạy bộ trong đó có ông Đoàn Ngọc Hải thường xuyên đi tập luyện bằng cách chạy dưới lòng đường cũng là vi phạm và phải cấm.
Về vấn đề này, Dân Việt đã liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hùng để trao đổi và lắng nghe ý kiến. Theo ông Hùng, thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL quy định về Tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng đã quy định rõ chỉ có những giải chạy mới phải xin phép Bộ VHTTDL..
"Ở đây là vấn đề cá nhân, quyền cá nhân của Nguyễn Văn Long nên không thể cấm được. Nguyễn Văn Long cũng đã từng chạy xuyên Việt rồi. Còn về việc có đảm bảo an toàn giao thông hay không thì đó là vấn đề của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Liên đoàn điền kinh Việt Nam không có ý kiến gì".
Ở góc độ cá nhân của một người hiểu biết chuyên môn, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Tôi nghĩ chạy với mục đích thiện nguyện rất tốt, cần được ủng hộ. Điều đó giúp lan toả cảm hứng chạy bộ, phong trào tập luyện trong quần chúng.
Tuy nhiên, về sức khoẻ, Nguyễn Văn Long phải đặc biệt lưu tâm, bởi chạy mỗi ngày gần 100km rất "kinh", phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt về sức khoẻ.
Nếu không, dễ dẫn đến chấn thương, ảnh hưởng tới hệ vận động, xương khớp. Theo tôi, Nguyễn Văn Long cần tư vấn bác sĩ trước khi thực hiện hành trình dự kiến chạy trong 20 ngày liên tục từ Hà Nội tới TP.HCM.
Đồng cảm với suy nghĩ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, anh Nguyễn Đạt - người Việt Nam đầu tiên hoàn thành cự ly marathon (42,195km) với thời gian 6 giờ 22 phút 11 giây trên sân thượng một tòa nhà chung cư tại Hà Nội thời điểm năm 2020 khi xã hội bị ảnh hưởng bởi địch dịch Covid-19 bày tỏ quan điểm:
"Tôi nghĩ đây hoàn toàn là quyền cá nhân. Về an toàn giao thông thì bất kỳ ai đi trên đường bộ, không có đường cấm, kể cả đi bằng phương tiện gì thì cũng luôn tiềm ẩn rủi ro với hành trình xuyên Việt.
Nếu là đi nhóm đông, dàn hàng ngang, gây cản trở giao thông trên đường vi phạm phạm luật thì cơ quan an ninh sẽ vào cuộc xử lý".
Theo chân chạy Nguyễn Đạt, mấy năm qua đã có hơn chục sự kiện chạy tiếp sức xuyên Việt từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Bản thân anh cũng đã tham gia một cuộc chạy xuyên Việt với một chặng Vĩnh Long - Cần Thơ và có xe cảnh sát giao thông bảo vệ an toàn.
"Với Nguyễn Văn Long, chạy xuyên Việt như vậy sẽ có những rủi ro mà Long cần phải đặc biệt lưu tâm tới vấn đề sức khoẻ.
Dù chạy với mục đích tốt đẹp như thế nào thì sức khoẻ bản thân cũng phải đặt lên hàng đầu, tránh chấn thương, ốm đau.
Tôi cho rằng để thực hiện mục tiêu như Nguyễn Văn Long mong muốn thì vẫn còn có nhiều cách, nhiều cơ hội khác để tiếp cận, lan toả tình yêu thể thao, năng lượng tích cực, gây quỹ từ thiện vì cộng đồng".