Ngày 24/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh về tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự.
Động thái này được đưa ra khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và các đơn vị liên quan.
Năm ngày trước, hàng loạt cán bộ từng là cấp dưới của ông Chiến đã bị bắt. Trong đó, ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hạnh Chung, cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Riêng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC, tiếp tục bị khởi tố tội Đưa hối lộ, trong vụ án thứ 5.
Ông Nguyễn Nhân Chiến, sinh năm 1960, quê quán tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có học vị tiến sĩ kinh tế. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 2/2015, ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Tháng 9 năm 2020 tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, ông thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khóa XX. Đến tháng 12/2021, ông nghỉ hưu theo chế độ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến bị khởi tố được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự.
Trong đó, ông Nguyễn Nhân Chiến đang bị cáo buộc vi phạm khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự. Khoản này quy định, người nào nhận hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội nhận hối lộ.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đây là hình phạt bổ sung của tội nhận hối lộ.
Tuy nhiên, cần lưu ý, trong quá trình tố tụng, nếu người phạm tội nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt (tử hình) mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Nói thêm về tội danh, bà Dung cho biết, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn nhưng lợi dụng để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người khác hoặc cho tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Nhận hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý nhà nước.
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được họ là người có chức vụ, quyền hạn, tuy nhiên lại lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền hối lộ của người khác.
Họ nhận thấy đây là hành vi trái với pháp luật, đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp nhưng vẫn mong muốn nhận được của hối lộ, thậm chí còn có những hành vi vòi vĩnh, hay gợi ý, nhũng nhiễu đối với người đưa hối lộ.