Khai thác tiền sử của bệnh nhân được biết, khoảng 2 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân bị tai nạn giao thông, đập mặt xuống nền cứng, sau ngã chảy ít máu từ mũi.
Khi về nhà bệnh nhân cảm giác khó chịu và muốn xì mũi để lấy bỏ nốt máu đông còn sót lại bên trong. Ngay khi xì mũi bên trái, bệnh nhân đột ngột thấy sụp mi mắt trái, mí mắt sưng lên và nhập khoa Cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ khám thấy mí mắt trái sưng nặng, hơi nề đỏ, không đau, cử động nhãn cầu và hoạt động thị giác bình thường.
Chụp CT hàm mặt không cản quang cho thấy có tràn khí dưới da mi mắt và trong hốc mắt trái, gãy thành trong hốc mắt trái.
Bệnh nhân được điều trị bảo tồn kháng sinh dự phòng và theo dõi ngoại trú. Sau điều trị 6 ngày, bệnh nhân cải thiện, mí mắt đã mở được gần như bình thường.
Bác sĩ Lê Kiều Trang, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Quân đội 108) cho biết, hầu hết các trường hợp tràn khí hốc mắt đều có tiền sử chấn thương hoặc phẫu thuật xương sọ mặt.
Mặc dù không nhất thiết phải xảy ra ngay lập tức, cũng có thể chấn thương trước đó vài ngày hoặc vài tuần sau đó có biểu hiện cấp tính tràn khí hốc mắt sau một đợt tăng áp lực nội sọ do hắt hơi hoặc xì mũi đưa không khí từ các xoang đi qua thành xương vỡ, vào hốc mắt.
Một nghiên cứu do Gwaltney và cộng sự về áp lực nội sọ do xì mũi, ho, hắt hơi cho thấy: áp lực nội sọ tối đa trung bình là 66 mm Hg khi xì mũi, 4,6 mmHg khi hắt hơi và 6,6 mmHg khi ho.
Áp lực nội sọ lớn hơn 190 mmHg đã được đo trong quá trình xì mũi với nỗ lực thở ra tối đa, đưa ra bằng chứng cho thấy không khí có thể được đưa vào hốc mắt dưới áp suất đáng kể.
"Hầu hết các trường hợp tràn khí hốc mắt không cần điều trị. Tuy nhiên, với tình trạng tràn khí nặng, tiến triển gây chèn ép dây thần kinh thị giác.
Điều này khiến cho vận động mắt bị hạn chế, phản ứng đồng tử chậm hoặc giảm thị lực thì việc giải nén khẩn cấp lượng khí bị mắc kẹt là cần thiết để tránh mất thị lực không hồi phục" bác sĩ Trang chia sẻ.