Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã phát biểu như thế tại Hội nghị về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lí buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, diễn ra chiều muộn ngày hôm nay (26/1), tại TP.HCM.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NNPTNT vừa có hàng loạt văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính và nhiều tỉnh phía Nam như Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang... về việc phối hợp, tập trung chỉ đạo tổ chức ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo rất cụ thể, gần nhất là chỉ thị số 29 ngày 26/12/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn về thú y và theo phản ánh của các cơ quan truyền thông, thời gian qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, heo, gia cầm qua biên giới các tỉnh miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là qua biên giới với Campuchia, Lào.
"Việc nhập lậu này làm tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm... cũng như nguy cơ động vật được cho ăn chất cấm để kích thích tăng trưởng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân", Thứ trưởng Tiến bức xúc.
Theo ông Tiến, điều quan trọng hơn là các tỉnh, thành chưa thực sự quyết liệt ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu.
"Chúng ta có bộ máy hành chính, quản lý nhà nước thế này mà để buông lỏng quản lý là không được", ông Tiến nói.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi thời gian qua đã thua lỗ nhiều, các doanh nghiệp chăn nuôi, người dân chăn nuôi bị "ăn" mất cả sổ đỏ, nhà, xe… mà cơ quan quản lý lại không quyết liệt ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu là bất công với doanh nghiệp, nông dân chăn nuôi trong nước.
"Cần thiết phải trình Thủ tướng phê bình các tỉnh, thành chưa quyết liệt ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu", Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan… phối hợp, hỗ trợ chỉ đạo tăng cường kiểm soát, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, heo, gia cầm… qua biên giới tại các tỉnh miền Nam vào Việt Nam.
Trong đó, chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan đặc biệt tại các tỉnh có chung biên giới với Campuchia và Lào cùng phối hợp với chính quyền các địa phương đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, heo, gia cầm, tôm hùm giống không rõ nguồn gốc, chưa có kiểm dịch của cơ quan thú y trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Các lực lượng công an, biên phòng, hải quan có phương án đấu tranh với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, heo, gia cầm… nhập lậu qua biên giới.
"Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh phía Nam quán triệt, hướng dẫn, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp tại địa phương tổ chức kiểm soát nhập khẩu trâu, bò, heo và gia cầm theo đúng quy định. Chỉ đạo chính quyền cấp xã, cấp huyện tổ chức thống kê số liệu, kiểm soát đàn trâu, bò, heo và gia cầm của địa phương, đặc biệt tại các địa phương có chung biên giới với Campuchia", ông Tiến nói thêm.
Đặc biệt, các địa phương cần có phương án để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc trâu, bò, heo và gia cầm được vận chuyển, nhập lậu cũng như việc hợp thức hóa, làm giả, làm trái quy định các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì cho hay, tình trạng lợn (heo) nhập lậu qua biên giới vẫn phức tạp, đặc biệt vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, với trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000-7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam.
"Nếu không quyết liệt ngăn chặn, việc này có thể đánh gục ngành chăn nuôi đang phải gồng lỗ suốt thời gian dài vừa qua", ông Công nói.
Theo ông Công, với giá thành chỉ dao động từ 32.000-40.000 đồng/kg heo hơi, lợi nhuận heo nhập lậu đang khiến người chăn nuôi trong nước gặp vô vàn khó khăn. Chưa kể, người chăn nuôi còn sợ, nếu heo nhập lậu không được kiểm soát sẽ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, heo nhập lậu khó kiểm soát chất lượng sẽ làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Trong tương lai, sự cạnh tranh của heo nhập lậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng đàn heo, thiếu hụt nguồn cung trong nước.