Mỹ đã loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi đất Anh vào năm 2008, sau khi lực lượng này đóng quân ở đó kể từ Chiến tranh Lạnh. Động thái này nhằm xoa dịu căng thẳng với Nga.
Giờ đây, khi cuộc chiến của Nga vào Ukraine sắp kỷ niệm hai năm, các quan chức phương Tây đang cảnh báo rằng NATO nên một lần nữa sẵn sàng cho một cuộc xung đột mở có thể xảy ra với Moscow.
Theo các hợp đồng mua sắm mà The Telegraph trích dẫn, Mỹ có kế hoạch đặt bom hạt nhân mạnh gấp ba lần đầu đạn hạt nhân Hiroshima tại căn cứ không quân Lakenheath của Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF) ở Suffolk, Anh. Vũ khí hạt nhân cũng được đặt tại cơ sở này trong Chiến tranh Lạnh.
Mỹ và Anh chưa chính thức xác nhận hay phủ nhận báo cáo này.
Các báo cáo truyền thông đầu tiên chỉ ra rằng Washington có kế hoạch tiếp tục hiện diện hạt nhân tại RAF Lakenheath đã xuất hiện vào năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Nga bình luận vào tháng 9/2023 rằng họ sẽ coi động thái như vậy là một "bước tiến tới leo thang", hứa sẽ đáp trả bằng "các biện pháp đối phó" thích hợp.
Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO tuần trước cho biết dân thường của các nước đồng minh nên chuẩn bị cho viễn cảnh một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga trong 20 năm tới.
Những tuyên bố tương tự cũng được đưa ra bởi các quan chức ở Thụy Điển, quốc gia hiện đang tìm cách gia nhập liên minh.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều chia sẻ quan điểm này. Tổng tư lệnh quân đội Lithuania Valdamaras Rupsys cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/1 rằng, "khả năng xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO là rất thấp, cực kỳ thấp".
Rupsys thừa nhận những tuyên bố mâu thuẫn được đưa ra gần đây bởi Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis, người nói rằng một cuộc chiến tranh NATO-Nga tiềm ẩn là "khả năng xảy ra". Rupsys cho biết, việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm ẩn là động thái cần thiết.
Mặc dù vậy, vị tướng nói rằng "khi chúng ta phải thảo luận về lời khuyên quân sự với những người không thực sự đủ trình độ để đưa ra lời khuyên quân sự thì vẫn có một số nhầm lẫn".