Dân Việt

Bình Dương làm cách nào hoàn thiện hàng ngàn km đường nông thôn mới khi ngân sách khó khăn?

Nguyên Vỹ 01/02/2024 12:55 GMT+7
Bình Dương không sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sự đồng lòng đóng góp của các hộ dân đã giúp hạ tầng giao thông nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực.

Niềm vui nông thôn mới từ một con đường quanh năm nắng bụi mưa lầy

Tuyến đường Phú An 75 (xã Phú An, TX.Bến Cát) vừa được bê tông hóa và đưa vào sử dụng. Tuyến đường có chiều dài 1,6 km được đầu tư với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Đáng lưu ý là toàn bộ kinh phí làm đường đều do các hộ dân sinh sống 2 bên tuyến đường đóng góp.

Tuyến đường Phú An 75 (xã Phú An, TX.Bến Cát) do các hộ dân sinh sống 2 bên tuyến đường đóng góp với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Ảnh: T.L

Tuyến đường Phú An 75 (xã Phú An, TX.Bến Cát) do các hộ dân sinh sống 2 bên tuyến đường đóng góp với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Ảnh: T.L

Qua vận động của chính quyền địa phương, các hộ dân đều nhiệt tình đóng góp tiền của, đất đai. Tất cả tạo nên nguồn lực lớn để tuyến đường từng nắng bụi, mưa lầy đã trở nên khang trang.

Ông Nguyễn Đức Quân, người dân ở xã Phú An cho biết, tuyến đường được mở rộng mặt đường hơn 4 mét. Đây là tuyến chính dẫn vào đồng ruộng nên khi đường được đầu tư bê tông hóa, người dân rất vui mừng.

"Từ nay, việc vận chuyển lúa và các loại nông sản mỗi mùa thu hoạch thuận tiện rất nhiều", ông Quân nói.

Ngụ cùng xã, ông Nguyễn Văn Anh cho biết người dân rất ủng hộ dự án làm đường này để đường sá sạch sẽ, các cháu đi học an toàn.

"Bây giờ đường đã sạch, bà con 2 bên tuyến đường sẽ trồng hoa cho con đường đẹp hơn", ông Văn Anh tâm sự.

Hạ tầng giao thông kết nối giúp phát triên các vùng nông thôn mới TX.Bến Cát. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hạ tầng giao thông kết nối giúp phát triên các vùng nông thôn mới TX.Bến Cát. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, nhóm tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao cần nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương chủ yếu là thực hiện đầu tư lồng ghép vào các chương trình, dự án xây dựng cơ bản hàng năm theo kế hoạch. Quá trình thực hiện các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian qua, các địa phương đã nhân rộng nhiều cách làm hay, huy động được sức mạnh của toàn dân trong phong trào thi đua toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới.

Chung sức xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn mới

Theo Sở NNPTNT, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn với tổng vốn đầu tư trên 6.400 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách chiếm 49%; các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 51%.

Một tuyến đường giao thông nông thôn mới ở xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một tuyến đường giao thông nông thôn mới ở xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, tỉnh đang triển khai các kế hoạch chỉnh trang đô thị, nâng cấp ngõ, hẻm khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn như hiện nay thì ngân sách Nhà nước sẽ không đủ đáp ứng.

Do đó, việc hiến đất, đóng góp tiền của, công sức của người dân để làm các tuyến đường nông thôn như ở tuyến đường Phú An 75 là điều rất đáng quý.

Đường giao thông nông thôn mới ở xã An Sơn, TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đường giao thông nông thôn mới ở xã An Sơn, TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cùng với quy hoạch phát triển chung toàn tỉnh, thời gian tới, TX.Bến Cát sẽ trở thành thành phố Bến Cát. Do đó, việc nâng cao chất lượng giao thông nông thôn là hết sức cần thiết.

Để làm được điều này, sự ủng hộ của người dân và vai trò của chính quyền, đoàn thể trong công tác vận động người dân là rất quan trọng, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.

Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn Bình Dương hiện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%; đảm bảo kết nối, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đị lại thuận tiện.

Trong đó Bình Dương có: 103 tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; tổng chiều dài gần 275,9km; 733 tuyến đường trục ấp và đường liên ấp; dài 689,8km; 1.870 tuyến đường ngõ, xóm; dài 980,96km; 246 tuyến đường trục chính nội đồng; dài 238,39km.