Dân Việt

Tết con Rồng, ghé thăm một Trà Leng rất khác, chẳng những đẹp lại còn thơm hương quế

Diệu Bình 10/02/2024 13:11 GMT+7
Chưa đủ lâu để xanh lại những vết lở hằn trên từng quả núi, ngọn đồi. Nhưng sau đau thương, mất mát, những mầm xuân mới lại nở trên vùng núi cao Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam).

Bằng La đầy hy vọng

Ngày đầu năm , đứng bên này sông Leng nhìn qua, hàng chục ngôi nhà mới với mái tôn đỏ rực của làng Bằng La ghi dấu một cuộc "tái sinh" nơi miền rừng xanh thẳm. Cách làng cũ chưa tới 3 cây số về hướng núi, Bằng La là cái tên được người Bh'Noong đặt cho khu tái định cư với hy vọng về một vùng đất bằng phẳng, an toàn sau những đau thương từ ngày núi "trở mình", xóa sổ nóc Ông Đề cuối năm 2020.

Làng Bằng La rộng hơn 6ha, ngày nào còn um tùm cây cỏ dại nhưng nay đã trở thành một ngôi làng khang trang với hàng chục ngôi nhà bê tông kiên cố. Hệ thống điện nước sinh hoạt, đường giao thông liên gia được đầu tư đồng bộ.

Tết con Rồng, ghé thăm một Trà Leng rất khác, chẳng những đẹp lại còn thơm hương quế- Ảnh 1.

Những ngôi nhà mới vững chãi ở làng Bằng La. D.B Già Hồ Văn Đề phấn khởi cạnh làng mới. Ảnh: D.B

Nóc Ông Đề bị xóa sổ sau vụ sạt lở núi vào chiều 28/10/2020, khiến 15 ngôi nhà bị vùi lấp, 9 người chết, 13 người vẫn còn mất tích. Ngay sau đó, UBND huyện Nam Trà My đã cấp tốc đi tìm nơi ở mới cho người dân. Sau hơn 5 tháng xây dựng, 39 căn nhà đã hoàn thành và chính thức bàn giao cho người dân.

Đám trẻ nô đùa trước cổng vào làng. Tiếng máy móc thi công công trình bờ kè sông Leng bảo vệ Bằng La. Nhà sinh hoạt cộng đồng bằng bê tông 2 tầng, cùng với đó là ngôi trường mẫu giáo được xây dựng bề thế. 

Trà Leng hôm nay đã bình yên sau những ngày giông bão.

Căn nhà của già Hồ Văn Đề (88 tuổi) nằm sát tuyến đường dẫn vào làng mới. Với già, nóc Ông Đề gần đó, nhưng cũng thật xa. Nơi đó giờ chỉ còn lại những nấm mồ gió mà người làng lập cho các nạn nhân xấu số vẫn còn mất tích. Già không dám về làng, cũng không còn ai dám về làng. "Ngày dời làng, không nhà nào có của cải theo kèm, bởi tất cả đã bị vùi theo hàng trăm ngàn mét khối đất đá..." - già Đề kể.

Núi lở đã cướp đi sinh mạng 8 người thân của già Đề. Giá vén áo, chỉ vào vết sẹo dài để minh chứng cho cái ngày núi ầm ào đổ xuống...

Qua hai mùa xuân về làng mới, cuộc sống người dân đã tràn đầy sức sống. Người đồng bào Bh'noong nay đã có nhà cửa, có kế sinh nhai và yên tâm kê cao gối ngủ vào những ngày mưa bão. Già Đề không khóc nữa, người làng cũng không ai muốn gợi lại chuyện đau thương ấy nữa. Họ gặp nhau chỉ hỏi thăm câu chuyện phát triển kinh tế để làm sao vươn lên thoát nghèo.

Trà Leng nay đã khác

Tết con Rồng, ghé thăm một Trà Leng rất khác, chẳng những đẹp lại còn thơm hương quế- Ảnh 2.

Những ngôi nhà mới vững chãi ở làng Bằng La. Ảnh: D.B

Cơn mưa rừng vừa dứt, vợ chồng già Đề bảo nhau đi chăm vườn quế, làm cỏ rẫy và chuẩn bị cho vụ trồng quế giống mùa mưa năm nay. "Có nhà là vui rồi, giờ chuyên tâm làm rẫy, trồng quế để phát triển kinh tế thôi, hơi sức đâu mà nhớ lại chuyện cũ. Trà Leng nay đã khác rồi!" - già Đề nói đầy tự hào.

Như chính lời già Đề nói, về lại Trà Leng vào những ngày cuối năm tìm người để tâm sự thật khó. Giờ đây, phần lớn người dân đã lên rẫy và làm công, chẳng ai ngồi yên trong nhà nghĩ ngợi chuyện đau buồn, mất mát. 

Anh Hồ Văn Đông (33 tuổi) mất vợ và đứa con gái 8 tháng tuổi trong đợt sạt lở, đến nay vẫn chưa tìm thấy tung tích. Bàn thờ nhỏ đặt trang trọng giữa ngôi nhà chỉ có di ảnh của con gái, còn vợ anh chưa một lần chụp ảnh. Đã có lúc anh chới với trong nỗi đau mất người thân, mất tất cả. Nhưng rồi, anh gắng gượng để nuôi 2 đứa con nhỏ. "Vợ chồng mình trước có trồng được ít quế, giờ thành của để dành. Có được ngôi nhà rồi, giờ mình chăm chỉ làm việc để kiếm tiền nuôi các con thôi. Ở làng mới, người dân không còn nỗi lo sạt lở nữa, giờ chỉ lo làm ăn để vươn lên thoát nghèo, có của để dành cho con cái sau này" - anh Đông chia sẻ.

Tranh thủ những ngày nắng, chị Hồ Thị Tâm (35 tuổi) lên rẫy gần làng Bằng La để chăm sóc cây quế. "Nhà nước đã hỗ trợ cho tôi hơn 1.000 gốc quế và xoài, ổi, cau. Ngoài trồng trọt, tôi và bà con trong làng còn nuôi thêm trâu, bò, dê và heo, gà để tăng thu nhập. Về với làng mới làng mới Bằng La, cuộc sống sung sướng hơn rất nhiều so với làng cũ"- chị Tâm trải lòng.

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho biết ở làng mới Bằng La, cuộc sống của bà con đã ổn định cả về vật chất và tinh thần: "Bà con tiếp tục canh tác tại làng cũ như trồng quế, trồng cau ăn trái, cây ăn quả, làm thêm ruộng nước bậc thang và chăn nuôi... Hiện, trung bình mỗi hộ có 1 - 2 lao động, thu nhập bình quân đạt 40-50 triệu đồng mỗi năm. Một số lao động trẻ còn đi làm công trình lúc nhàn rỗi nên cũng có thêm nguồn thu".

Chủ tịch xã Trà Leng cũng cho hay, làng Bằng La được chọn để xây dựng Làng văn hóa truyền thống của người Bh'noong nên tới đây còn hướng đến bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch để giải quyết công ăn việc làm ổn định cho bà con.