Nơi chiến trường ác liệt
Ở vùng đất này, trong cuộc chiến chống Mỹ, không thể tưởng tượng nổi: mỗi xã đều có hàng trăm, hàng nghìn người ngã xuống trong khói lửa chiến tranh. Đặc biệt, ở một số xã như Bình Dương (huyện Thăng Bình), Điện Thọ, Điện Hòa, Điện Ngọc (huyện Duy Xuyên), số người ngã xuống là hàng nghìn, có nơi số người ngã xuống chiếm 30-40% số dân trong xã thời ấy. Mỗi tấc đất đều thấm máu của bao người ngã xuống...
Đầu năm 1974, tôi có mặt trong đoàn phóng viên trẻ từ báo Nhân Dân và sinh viên khoa Văn - Sử vừa tốt nghiệp khóa 14 ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có mặt tại Khu 5 theo yêu cầu chi viện các phóng viên cho một chiến trường mà cuộc chiến đấu giành đất đang diễn ra ác liệt nhất, khi Hiệp định Paris bị phía bên kia phản bội...
Những đoàn phóng viên đi trước chúng tôi, những nhà văn, văn nghệ sĩ… đã có rất nhiều người hy sinh. Ở đơn vị nơi chúng tôi vào tiếp viện là Đài Phát thanh Giải phóng vừa có 2 trong số hơn chục nhà báo hy sinh. Hôm đơn vị đón đoàn phóng viên mới cũng là ngày làm lễ viếng 2 đồng đội - đồng nghiệp vừa ngã xuống. Mấy tuần sau nghe tin bên Quân khu có một nhà báo vừa bị giết hại trên đường đi công tác. Và ở ngay chiến khu, nơi các đơn vị thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5 đóng quân dọc con suối Trà Nô (thuộc huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), họa sĩ Hà Xuân Phong ngã xuống và bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua suối lĩnh lương thực về cho anh em ở bộ phận Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ...
Chúng tôi đi dọc con sông Thu Bồn, nơi mỗi tấc đất còn nhắc nhở về những người ngã xuống. Chúng tôi đi các nghĩa trang thắp hương trên mộ những người bạn, người đồng nghiệp đã hy sinh: Nguyễn Mỹ ở nghĩa trang Trà My; Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong ở Duy Xuyên; Nguyễn Hồng, Phương Thảo ở nghĩa trang Điện Bàn…
Chưa kịp làm quen với mấy trận sốt rét và những bữa ăn đôi khi chỉ có sắn khô và ruốc cùng mỡ cừu, nhiều ngày không có rau vì rau rừng chưa kịp mọc, chúng tôi chia nhau lên đường về các địa phương để làm nhiệm vụ của những phóng viên chiến trường, khi tình hình chiến sự đang diễn ra rất ác liệt ở các vùng giao tranh. Một số bạn đi Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên, còn Triệu Xuân Điến (nhà văn Triệu Xuân sau này) xin đi theo chiến dịch Thượng Đức vừa mở. Tôi xin đi Quảng Nam và Quảng Đà – vùng ven Đà Nẵng, nơi trận chiến đang diễn ra ác liệt nhất và cũng là nơi mà những nhà văn, nhà báo xuất sắc nhất đã hy sinh: Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Hồng, Nguyễn Trọng Định, nghệ sĩ múa Phương Thảo...
Những ngày ấy, Triệu Xuân bị thương nặng trong một tai nạn khi cùng bộ đội tiến vào Thượng Đức. Tôi đi với du kích và bộ đội của Mặt trận 4 ở vùng ven Đà Nẵng, may mắn thoát chết ở một trận càn chiến lược của phía địch ở thung lũng Xuyên Trà (Duy Xuyên), khi phía địch muốn tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân đội và du kích của các đơn vị quanh cứ điểm Đà Nẵng... Nếu hôm ấy không có trận đánh dũng cảm của bộ đội Tiểu đoàn 2 và các đại đội quân địa phương khác của Quảng Đà đánh mở đường, có lẽ tôi cũng đã "nằm lại đất lành Duy Xuyên" (như câu thơ của Dương Hương Ly viết về sự hy sinh của chị Dương Thị Xuân Quý)...
Nói đến chuyện như vậy để tôi muốn nói rằng: cuộc chiến đấu ở những vùng đất Quảng Nam ấy vô cùng ác liệt, mà điều tôi chứng kiến chỉ là rất nhỏ, ít nguy hiểm nhất so với những gì mà những anh chị đồng nghiệp đi trước đã từng trải...
Dấn thân và ở lại "đất lành"...
Sau những năm tháng chiến tranh, ngành Tuyên huấn Khu 5 tổng kết lại, thật bất ngờ với con số: có gần 300 liệt sĩ trong lực lượng tuyên huấn gồm các nhà văn, nhà báo, nhà quay phim và các nghệ sĩ đã ngã xuống ở chiến trường Khu 5 trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Có người nói rằng: chưa có ở đâu số người cầm bút trực tiếp vào chiến trường đông đến thế và số hy sinh nhiều như thế, trong đó có những người thật sự xuất sắc, báo hiệu một tác giả lớn nếu không ngã xuống sớm, như: Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Hồng, nghệ sĩ Phương Thảo, nhà quay phim Văn Giá (người đã quay những thước phim về Đặng Thùy Trâm và hy sinh ở chính nơi nữ anh hùng hy sinh: Đức Phổ, Quảng Ngãi) và hàng trăm người khác.
Không ở đâu hình ảnh người dân giữ đất dũng cảm và đầy kiêu hãnh như người dân Quảng Nam, Đà Nẵng, nhưng cũng không ở đâu có một đội ngũ những người cầm bút đã dấn thân, hòa cùng nhân dân trong cuộc chiến đấu giữ đất và giành đất cho hòa bình đông đảo đến thế. Và chính họ tạo ra một đội ngũ những người cầm bút từ chiến hào trở về, sống tiếp cuộc dấn thân để có những đóng góp xứng đáng với sự hy sinh của nhân dân, xứng đáng với những vùng đất họ đã sống. Đó là các nhạc sĩ, nhà điện ảnh, họa sĩ như: Phan Huỳnh Điểu, Trần Văn Thủy, Tạ Văn Bạo, Giang Nguyên Thái, Đoàn Nguyên... Đặc biệt là các nhà văn, một đội ngũ thật hùng mạnh mà những tác phẩm của họ đã ghi dấu ấn về cuộc chiến đấu vì hòa bình, với những tên tuổi như: Thu Bồn, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thái Bá Lợi, Nguyễn Tri Huân, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Vũ Thị Hồng; các nhà thơ: Thanh Thảo, Thanh Quế, Ngô Thế Oanh, Ngân Vịnh, Lệ Thu…
Ngày nay, tại khuôn viên của trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 5, có một tượng đài mang hình ngọn lửa bằng đá đỏ, trên đó khắc ghi danh sách, tên tuổi gần 300 liệt sĩ ngành Tuyên huấn đã ngã xuống ở chiến trường Khu 5, trong đó có các nhà văn, nhà báo, đồng nghiệp của chúng tôi. Vài năm một lần hay mỗi khi có dịp, chúng tôi - những người còn sống, tập hợp nhau lại để cùng trở về Quảng Nam - Đà Nẵng. Chúng tôi cùng nhau đi đến những vùng đất chiến trường nơi chúng tôi đã sống những tháng năm tuổi trẻ để biết thế nào là sự dũng cảm và sức mạnh của nhân dân, để biết thế nào là sự bí ẩn, cuốn hút của đất đai.
Chúng tôi đi dọc con sông Thu Bồn, nơi mỗi tấc đất còn nhắc nhở về những người ngã xuống. Chúng tôi đi các nghĩa trang thắp hương trên mộ những người bạn, người đồng nghiệp đã hy sinh: Nguyễn Mỹ ở nghĩa trang Trà My; Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong ở Duy Xuyên; Nguyễn Hồng, Phương Thảo ở nghĩa trang Điện Bàn… để nhớ về đồng đội và nhớ về vùng đất thiêng liêng mà lịch sử của nó đã in dấu tên tuổi những người cầm bút mà thịt xương của họ đã hòa vào đất đai.