Tính đến nay đã qua hơn nửa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 -2026), Trung ương đã có 8 hội nghị chính thức và các hội nghị bất thường. Các Hội nghị Trung ương chính thức diễn ra như sau: năm 2021, diễn ra 4 hội nghị, năm 2022 diễn ra 2 hội nghị, năm 2023 diễn ra 2 hội nghị.
Vào tháng 6/2022, diễn ra Hội nghị Trung ương bất thường, tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Thanh Long (lúc đó Ủy viên Trung ương Đảng là Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội).
Đến tháng 12/2022, Ban Chấp hành Trung ương cũng có Hội nghị bất thường, tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ông Phạm Bình Minh (lúc đó là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; Cho ông Vũ Đức Đam (lúc đó là Phó Thủ tướng) thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến về 2 nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Vào tháng 1/2023, tiếp tục diễn ra Hội nghị Trung ương bất thường, tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Vào ngày 1/3/2023, tại Hội nghị bất thường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Về các kỳ họp của Quốc hội, tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay diễn ra 6 kỳ họp Quốc hội chính thức, 5 kỳ họp bất thường. Kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra tháng 1/2022.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã quyết định nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Với tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm trước đó đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới. Trước tình hình đó, Quốc hội đã có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.
Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 2 diễn ra tháng 1/2023, bên cạnh các nội dung quan trọng, Quốc hội đã làm công tác nhân sự (phê chuẩn miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 và phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026).
Cũng trong năm 2023, diễn ra 2 kỳ họp Quốc hội bất thường nữa (kỳ 3 và 4) , 2 kỳ họp bất thường này Quốc hội tiến hành công tác nhân sự (một kỳ miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 -2026 và một kỳ tiến hành bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026).
Từ 15 đến 18/1/2024, diễn ra kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5, tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng; thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách.