Quyết liệt để lan tỏa nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội vào đời sống xã hội
Quyết liệt để lan tỏa nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội vào đời sống xã hội
Quỳnh Nguyễn
Thứ sáu, ngày 19/01/2024 06:36 AM (GMT+7)
Sáng 18/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên bế mạc. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu nhận định, kỳ họp diễn ra trên tinh thần khẩn trương, thống nhất và quyết tâm cao, góp phần hoàn thành chương trình đề ra.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã xem xét và thông qua 4 nội dung, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách.
Luật pháp bám sát yêu cầu của cuộc sống
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp bất thường thế nhưng lại giải quyết những công việc của các kỳ họp thường kỳ.
Theo ông Cường, 2 Luật và 1 Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp là những nội dung hết sức quan trọng, cấp bách, rất cần được sớm thông qua để giải quyết các yêu cầu của cuộc sống. Chính vì vậy, Quốc hội đã rất năng động để tổ chức ra một kỳ họp bất thường, đáp ứng ngay những nhu cầu đó.
"Công tác luật pháp không phải để thực tế chờ đợi mà luôn bám sát thực tế cuộc sống và đáp ứng yêu cầu của cuộc sống", ông Cường nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, phiên họp bất thường của Quốc hội được tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề hết sức hệ trọng liên quan quốc kế, dân sinh, những vấn đề không thể nào chậm trễ hơn được. Chính vì thế nên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lần này đã tổ chức đến 5 kỳ họp bất thường.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, các nội dung được quyết định tại kỳ họp bất thường lần này đã lan tỏa tinh thần quyết liệt, chủ động từ sớm, từ xa của Quốc hội, đáp ứng được với những phức tạp, đổi thay nhanh chóng của bối cảnh hiện nay.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, sau khi các quyết định đã được ban hành, cần phải triển khai một cách hết sức quyết liệt để lan tỏa nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội vào đời sống xã hội.
"Tôi cho rằng để triển khai hiệu quả những kết luận, quyết định quan trọng từ kỳ họp bất thường này, sau khi các quyết định đã ban hành, chúng ta phải triển khai một cách hết sức quyết liệt để tinh thần của Quốc hội được truyền tải vào các hành động của Chính phủ. Nếu làm được như vậy thì những nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội mới có thể được lan tỏa vào trong đời sống xã hội", đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu rõ.
Khởi thông điểm nghẽn, phòng ngừa "ách tắc"
Đánh giá Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này mà Quốc hội đã biểu quyết thông qua, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, đây là một bộ luật tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế và xã hội.
"Chương trình mục tiêu quốc gia kết thúc vào giai đoạn 2021-2025 tức là chỉ còn 2 năm nữa thôi, nếu không tháo gỡ kịp thời các giải pháp, chính sách thì chắc chắn sẽ "ách tắc", chậm tiến độ", theo ông Cừ.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH Nam Định) đánh giá Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là 2 luật rất quan trọng, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị và Quốc hội đã phải quyết định lùi thời gian thông qua. Theo vị đại biểu đoàn Nam Định, việc UBTVQH triệu tập kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024 để thông qua 2 luật này là điều tích cực trong công tác lập pháp của Quốc hội.
Khẳng định Luật Đất đai (sửa đổi) có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và sức ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ về mọi mặt, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) nêu rõ, việc thông qua luật nhận được sự quan tâm, chờ đợi của đông đảo nhân dân và các đối tượng chịu sự tác động.
Để luật sớm được thực thi, phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm triển khai kịp thời việc ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, tránh tình trạng để luật phải chờ nghị định.
Ngoài ra, công tác phổ biến, tuyên truyền về những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như nội dung trọng tâm của luật tới người dân, doanh nghiệp cũng cần phải được tăng cường, đổi mới để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nắm vững và thực hiện theo đúng quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.