Công việc kiếm bạc triệu mỗi ngày
Ngày thường, các tài xế xe ôm thường chạy quanh Hà Nội, hoặc dễ thấy nhất là đứng bắt khách tại các bến xe, trạm xe buýt. Gần sát Tết, họ nhanh chóng "chuyển nghề", tập trung tại các điểm bán đào, quất chờ khách mua để vận chuyển thuê. Với công việc thời vụ này, họ có thể kiếm tiền triệu, bằng thu nhập chạy xe ôm cả tháng.
Không khí Tết đã về Thủ đô gần cả tháng nay. Đi dọc các tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân, dễ thấy khung cảnh đường phố ngập tràn cành đào, quất tấp nập người mua bán.
Những loại cây cảnh nhỏ thường được người mua chở về ngay. Nhưng với những cây đào, quất, mai vàng cỡ lớn, cành lá sum suê buộc phải thuê người vận chuyển. Cũng từ đây, dịch vụ chở cây cảnh thuê ngày càng nở rộ.
Anh Hoàng Văn Chính (Thanh Hóa) vốn làm nghề chạy xe ôm truyền thống, thỉnh thoảng "ai thuê gì làm nấy". Đến dịp Tết, anh dành gần như toàn bộ thời gian để đứng tại các điểm bán cây cảnh.
"Cứ lang thang gần chỗ bán, thấy chỗ nào đông khách mua thì ghé vào đứng chờ. Ngày được 2 – 3 chuyến là cũng ấm, bằng cả tuần chạy xe ôm", anh Chính cười, chia sẻ.
Theo lời anh Chính, một chuyến chở cây cảnh dao động từ 50.000 đồng trở lên, tùy vào kích thước hay khoảng cách xa gần. Thường một cành đào không có chậu, có thể buộc sau xe sẽ có giá vận chuyển từ 50.000 – 100.000 đồng/chuyến. Những loại cây cảnh có chậu, nặng và to sẽ có giá vận chuyển cao hơn, từ 100.000 – 500.000 đồng. Thậm chí, với những cây cảnh có yêu cầu đặc biệt, độ khó cao sẽ lên tới cả triệu đồng cho một chuyến chở thuê.
Cũng trong buổi sáng, anh Dũng (34 tuổi, Nam Định) làm nghề chở đào thuê nhận được 3 chuyến, tổng thu nhập hơn 400.000 đồng. "Như ngày thường, tôi chạy xe ôm từ sáng tới tối cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn. Trong khi đó chở đào thuê tầm một tuần cũng phải được vài triệu là ít. Cho nên trong những dịp Tết thế này càng phải tranh thủ kiếm thêm", anh Dũng bày tỏ.
Trung bình mỗi ngày, nếu may mắn, một tài xế xe ôm có thể được thuê chở từ 10 – 15 chuyến. Như vậy, việc kiếm cả triệu đồng mỗi ngày trong dịp cận Tết là điều không khó.
Công việc vất vả, cạnh tranh "nảy lửa"
Để kiếm được mối chở hàng, những tài xế xe ôm phải chọn nơi đông đúc, đắt khách, thậm chí chèo kéo khách hàng. Anh Tiến (Thanh Hóa) thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ Tết từ 7 giờ sáng.
Anh cho biết, hội chợ cây cảnh là nơi có nhiều chậu cây to, những loại này mới cần đến người chở thuê. Bên cạnh đó, việc phụ giúp, làm quen với các chủ hàng hoa cũng giúp anh nhận được nhiều chuyến chở thuê hơn.
"Mình hay nói chuyện với các chủ cửa hàng nên khi có khách cần chở thuê, họ cũng gọi cho mình để chở. Làm cái này không nhanh thì có người hẫng tay trên ngay, cạnh tranh nảy lửa chứ đùa", anh Tiến chia sẻ.
Mỗi tài xế lại có những cách "cạnh tranh" khác nhau. Tại một hội chợ Tết trên đường Hoàng Quốc Việt, một nam tài xế khác đầu tư cả bảng biển, ghi rõ "nhận chở đào, quất thuê" và gắn đằng sau xe. Dùng cách này, anh được nhiều khách hàng chủ động tìm tới.
Công việc chở cây cảnh thuê ngày Tết đem lại nguồn thu nhập gấp nhiều lần ngày thường cho các tài xế xe ôm. Thu nhập cao hơn, đồng nghĩa với việc rủi ro và vất vả cũng nhiều hơn, nhất là dịp cận Tết giao thông đông đúc như những ngày này.
"Giao cây phải đảm bảo cây không gãy cành, rụng nụ hay xước xát chậu. Chuyến nào càng nhiều tiền thì lại càng phải cẩn thận. Chỉ cần đang đi, lỡ va phải xe khác cũng dễ khiến cây cảnh bị hỏng. Mà một chậu đào, đặc biệt là mai vàng có giá gần chục triệu, đi không cẩn thận có khi phải đền ngược lại", anh Tiến cho hay.
Ngoài các tài xế xe ôm, nhiều tài xế xe tải, ba gác cũng tham gia vào công việc thời vụ kiếm tiền triệu này. Được biết, các khách hàng thường muốn giao tận cửa, vì vậy ưa chuộng vận chuyển nhanh gọn bằng xe máy. Vận chuyển bằng xe ba gác tuy có thể luồn lách vào ngõ hẻm nhưng chi phí cao hơn nhiều lần.