Tin từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa điều trị cho một bệnh nhân bị rối loạn lo âu khiến sức khỏe và đời sống tình dục đều không tốt.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Văn H (Hà Nội), thường xuyên chán nản, mệt mỏi, hay cáu bẳn với người xung quanh, suy nghĩ tiêu cực, đời sống tình dục không như ý, tưởng mình bị bệnh nặng nên đi khám. Kết quả xét nghiệm, nội soi dạ dày, đại tràng, cho thấy anh H bị trào ngược thực quản mức độ nhẹ nhất.
Tuy nhiên, anh H. nghĩ rằng mình bị ung thư dạ dày, các kết quả chẩn đoán chưa chính xác.
Bác sĩ Phạm Văn Dương, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, nhận thấy kết quả viêm không tương xứng với mức độ đau mà người bệnh cảm nhận, các bác sĩ tiếp tục khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân.
Đồng thời, các bác sĩ đã hội chẩn với chuyên gia tâm lý và kết luận: người bệnh có triệu chứng của rối loạn lo âu như hồi hộp trống ngực, hay lo lắng, bất an, đứng ngồi không yên, ăn uống không ngon miệng. Người bệnh cũng hay đau mỏi vai gáy, run tay chân, nóng, lạnh bất thường.
Kết hợp làm các xét nghiệm liên quan và bài kiểm tra tâm lý chuyên sâu, anh Nghị được xác định mắc rối loạn lo âu.
"Lo âu và stress có thể là yếu tố góp phần làm đau, trào ngược dạ dày. Lo âu và stress gây ra co thắt thực quản, giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới (nơi giữ cho dạ dày đóng, ngăn axit rò rỉ vào thực quản), tăng áp lực dạ dày và đẩy axit lên cao. Ngược lại, trào ngược dạ dày cũng gây ra stress, lo âu, tạo thành vòng luẩn quẩn, dễ nhầm lẫn", bác sĩ Dương chia sẻ.
Bệnh nhân đã được điều trị kết hợp liệu pháp không dùng thuốc như thư giãn, hít thở. Liệu trình điều trị tâm lý và giải quyết các triệu chứng thực thể (các dấu hiệu có thể quan sát được) cần kéo dài.
Sau một tháng điều trị, tâm trạng, anh H vui vẻ trở lại, bớt lo lắng hơn, hết bứt rứt, bồn chồn. Các triệu chứng liên quan đến bệnh dạ dày của anh cũng khỏi hẳn, ăn uống ngon miệng.
Theo bác sĩ Dương, bệnh tâm lý tâm thần có hai nhóm triệu chứng tâm lý và cơ thể. Các triệu chứng về cảm xúc như mất ngủ, khó vào giấc ngủ, bồn chồn cần hỗ trợ về tâm lý, tâm thần. Người bệnh có thể có biểu hiện khác thường ở các bộ phận tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận tiết niệu.
Tuy nhiên, nếu nhận thấy mức độ bệnh không tương xứng với tổn thương, cần lưu ý đến bệnh tâm lý, tâm thần.
Bác sĩ Dương cho biết, thông thường có khoảng 30% bệnh nhân tới khám tâm lý, tâm thần mắc rối loạn lo âu. Trong tháng cuối năm 2023, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội số ca được chẩn đoán có xu hướng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh dễ suy giảm chất lượng sống, tiêu tốn chi phí. Do đó, người bệnh cần nhận biết dấu hiệu về bệnh tâm lý tâm thần để định hướng khám đúng chuyên khoa.
Các dấu hiệu dễ nhận thấy ở người mắc bệnh này là cảm xúc thất thường, lo lắng thái quá, hay buồn phiền, mất ngủ, khó vào giấc ngủ, bồn chồn. Người bệnh cũng có thể hụt hơi, khó thở, tiểu nhiều lần, tiểu gấp", bác sĩ Dương khuyến cáo.