"Chân chạy" sau khi xuất ngũ
Anh Lưu Lập Đức là người khá nổi tiếng tại tỉnh Lâm Đồng với nhiều giải thưởng như Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng; Thanh niên nông thôn tiêu biểu trong lĩnh vực lao động sản xuất; 1 trong số 86 Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2021; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (năm 2020) vì có thành tích trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội…
Trò chuyện với phóng viên, anh Lưu Lập Đức cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê chuyên trồng rau tại thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Chính vì vậy, từ bé anh Đức đã nắm rõ công việc làm đất, trồng rau và thường xuyên làm cùng bố mẹ.
"Trung bình, mỗi ngày chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn nông sản các loại, lợi nhuận hàng tháng khoảng 250 triệu đồng. Việc liên kết với các hộ dân cũng giúp cho các nông hộ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng trên mỗi diện tích 1.000m2".
Anh Lưu Lập Đức
"Năm 2013, tôi xuất ngũ trở về địa phương và vẫn tiếp tục công việc nông nghiệp cùng cha mẹ như trước đây. Ngoài ra, tôi có cơ hội tham gia các công tác xã hội và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Liên Nghĩa.
Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng đã trải qua nhiều công việc như bốc vác hay lái xe tải thuê. Tuy nhiên, đó chỉ là việc làm thuê, không tích lũy được vốn.
Cho tới năm 2015, sau khi trao đổi và được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Liên Nghĩa định hướng trong việc phát triển mặt hàng nông sản là thế mạnh chủ lực của địa phương, tôi đã đứng ra thành lập tổ hợp tác liên kết với các hộ dân trong vùng trồng rau. Nhiệm vụ chính của tôi là tìm khách hàng, đầu ra cho sản phẩm của người dân liên kết" - anh Đức chia sẻ.
Ban đầu, các sản phẩm được tổ hợp tác của anh Đức cung ứng ra thị trường chủ yếu là khoai lang, su su, cà chua, cà rốt...
Sau khoảng 1 năm tìm kiếm khách hàng, thị trường, anh Đức và các hộ dân liên kết đã đưa được các sản phẩm rau, củ, quả vào chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, Big C, CoopMart… tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Làm giàu trên đất mẹ
Anh Lưu Lập Đức, thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) tự tay kiểm tra những thùng rau, củ, quả được thu mua từ các hộ dân liên kết. Ảnh: V.L
Vừa trao đổi với phóng viên, thi thoảng anh Đức lại kiểm tra những túi rau củ thu mua của người dân địa phương. Anh Đức cho biết, đến năm 2019, anh đã thành lập tổ liên kết tiêu thụ nông sản với các tổ viên là các hộ đoàn viên thanh niên tại thị trấn Liên Nghĩa cùng liên kết sản xuất và cam kết tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.
Sau đó, nhận thấy tiềm năng cũng như hiệu quả cách làm của mình trong thời gian trước, anh Đức cùng anh Lương Đức Tiến đã thành lập Công ty TNHH Agri Đức Tiến. Từ đó, việc xây dựng thương hiệu cũng như ký kết các hợp đồng đã trở nên thuận tiện và phù hợp với quy định của pháp luật.
"Sau thời gian dài xây dựng thương hiệu cũng như vùng nguyên liệu, hiện tại chúng tôi đang liên kết với khoảng 20 hộ gia đình trồng các loại rau, củ, quả.
Trung bình, mỗi ngày chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn nông sản các loại, lợi nhuận hàng tháng khoảng 250 triệu đồng. Việc liên kết với các hộ dân cũng giúp cho các nông hộ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng trên mỗi diện tích 1.000m2.
Với việc sản xuất nông sản tại địa phương, chúng tôi đã giải quyết việc làm cho khoảng 200 người lao động thường xuyên và thời vụ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Chăm, K'Ho" - anh Lưu Lập Đức chia sẻ.
Đang làm việc bên những luống rau xanh tốt, anh Hứa Sĩ Thành cho hay, gia đình anh đang liên kết với Công ty TNHH Agri Đức Tiến để sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Liên kết với công ty của anh Đức, gia đình anh Thành được hỗ trợ cây giống, phân bón và quy trình sản xuất.
Đồng thời, Công ty Đức Tiến cũng có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho người dân để cây trồng không bị sâu bệnh, có năng suất và chất lượng cao… Chính vì vậy, gia đình anh Thành cũng như các hộ dân khác đều có thu nhập ổn định nhờ được bao tiêu sản phẩm, không phải lo đầu ra, yên tâm sản xuất.