Theo Responsible Statecraft, thất bại rõ ràng của cuộc phản công năm 2023 của Ukraine, mà Kiev coi là cú đấm có một không hai có thể đánh bại Nga đã khiến những người ủng hộ chiến tranh ở Ukraine phải sửa đổi thời gian biểu để giành chiến thắng.
Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU), theo thời gian biểu này, được kỳ vọng có thể chống lại các cuộc tấn công của Nga và củng cố năng lực cho các cuộc tấn công mới vào năm 2025 với sự hỗ trợ của phương Tây.
Nhiều người vẫn tin rằng Ukraine, nếu được cung cấp đủ tên lửa tầm trung và tầm xa "có thể thay đổi cuộc chơi để đánh bại Nga. Điều này xuất phát từ việc họ cũng tin rằng, lực lượng Nga đang thiếu hụt nghiêm trọng các loại vũ khí quan trọng và do đó thiếu khả năng gây áp lực lâu dài lên cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Quan điểm trên vốn khuyến khích các nhà hoạch định chính sách phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine với hy vọng Kiev có khả năng giành được chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mark Episkopos tại Đại học Marymount, cách tiếp cận trên có nguy cơ đẩy Kiev vào tình trạng quân sự thậm chí còn bấp bênh hơn trong vài năm tới.
Bộ chỉ huy Nga trên thực tế nắm rõ loại vũ khí phương Tây nào chưa được cung cấp cho Ukraine và ở giai đoạn này của cuộc chiến, họ đã có nhiều tháng nếu không muốn nói là nhiều năm để mô phỏng tác dụng của chúng và đưa ra các biện pháp đối phó.
Tiến sĩ Episkopos đã phân tích trường hợp siêu pháo HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine năm 2022. Ban đầu siêu pháo Mỹ đã cho phép quân đội Ukraine triển khai một loạt cuộc tấn công thành công vào các tài sản có giá trị cao của Nga ở Ukraine.
Nhưng điều đó không kéo dài lâu khi người Nga học cách phân tán các kho đạn dược của họ hiệu quả hơn, gây nhiễu tên lửa chính xác của phương Tây và áp dụng các phương pháp phòng không phức tạp hơn, khiến HIMARS không còn phát huy được hiệu quả tối đa của nó.
Gần như chắc chắn rằng quân đội Nga sẽ tiếp tục hoàn thiện các phương pháp phân tán lực lượng và phát triển các biện pháp đối phó bổ sung để giảm thiểu tác động trên chiến trường trong tương lai đến từ tên lửa tầm trung và tầm xa của phương Tây.
Ngoài ra, Nga có thể đáp trả việc mở rộng cung cấp tên lửa của phương Tây cho Ukraine bằng một loạt các biện pháp bất đối xứng, tạo điều kiện cho chiến tranh leo thang nguy hiểm hơn.
Các loại vũ khí tối tân mà phương Tây cung cấp cho Ukraine có thể được sử dụng để gây tổn thất hoạt động cho lực lượng Nga nhưng những cuộc tấn công này mang lại giá trị chiến lược lâu dài hạn chế, Tiến sĩ Episkopos nhận định.
Theo ông Episkopos, không có dấu hiệu nào cho thấy chúng có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công có quy mô đủ lớn để đánh bại lực lượng Nga ở Ukraine một cách dứt khoát.
Rõ ràng, quan điểm Ukraine có thể giành chiến thắng nếu nhận đủ vũ khí hạng nặng của phương Tây và rằng Nga đang trên đà cạn kiệt nguồn vũ khí dự trữ – thực sự đều không mới. Đây rõ ràng là suy nghĩ ban đầu khiến một số nhà hoạch định chính sách và nhà quan sát phương Tây kết luận trong suốt năm 2022 rằng, quân đội Ukraine có thể đánh bại Nga trên chiến trường.
Tuy nhiên, hai năm giao tranh tàn khốc đã cho thấy Nga đang dần chiếm thế thượng phong và cái giá phải trả cho việc tiếp tục tính toán sai lầm, có khả năng dẫn đến thảm họa.
Theo ông Episkopos đã đến lúc những đồng minh ủng hộ Kiev ở cả hai bờ Đại Tây Dương suy nghĩ về một chiến lược thực tế hơn và đưa ra một kế hoạch bền vững để chấm dứt chiến tranh theo những điều kiện tốt nhất có thể cho Kiev, lẫn phương Tây.