Theo đó, từ đêm qua đến sáng nay (2/2/2024), Thủ đô Hà Nội sương mù dày dặc, đây là đợt sương mù dày ít gặp. Sáng sớm nay, tầm nhìn ở khu vực nội thành Hà Nội chỉ dưới 100m, ảnh hưởng rất nhiều đến giao thông.
Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, sương mù dày đặc là do gió đông nam hoạt động mạch đưa ẩm vào đất liền, gặp nhiệt độ thấp về đêm và sáng khiến hơi nước ngưng tụ hình thành sương mù giăng phủ ở lớp không khí gần mặt đấy. Lượng ẩm càng lớn, sương càng dày.
Hiện tượng sương mù ở nước ta chủ yếu được chia làm 2 loại: sương mù bình lưu và sương mù bức xạ. Hiện tượng sương mù bức xạ thường xuất hiện khi nằm sâu trong khối không khí lạnh với trường gió phân kỳ mạnh, tạo ra hiện tượng ít đến quang mây, là hiện tượng sương mù như buổi sáng nay.
Đây là loại sương mù nằm sát mặt đất và thường sẽ tan hết sau bình minh. Loại sương mù này thường hình thành vào những buổi tối yên tĩnh, bầu trời quang đãng, khi nhiệt độ ở mặt đất thấp đi do quá trình bức xạ nhiệt.
Lớp không khí ở phía trên mặt đất trở nên thấp hơn so với ban ngày nên không thể giữ được nhiều hơi ẩm khiến hơi nước ngưng tụ lại, trở thành những giọt nước lơ lửng trong không khí. Sương mù bức xạ thường xuất hiện vào mùa thu và đầu mùa đông. Trong thời gian tới ở miền Bắc sẽ còn nhiều ngày có sương mù.
Sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí; hít phải nó khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, những ngày sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
"Với chất lượng không khí như vậy, những người nhạy cảm sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít gặp hơn, TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sương mù là một trong số hơn 20 loại hình thiên tai thường gặp ở Việt Nam. Trên thực tế, những ngày có sương mù bao phủ ở Hà Nội cũng không phải là hiếm. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt Trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km. Thông thường, sương mù màu trắng, nhưng ở một số khu vực có thể có màu vàng đục hay xám.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành bản tin cảnh báo sương mù.
Cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù như sau: Rủi ro thiên tai do sương mù cấp độ 1 gồm các trường hợp sau: Cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa từ 50 m trở lên, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc hoặc khu vực sân bay; Cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên biển, trên sông hoặc đường đèo núi.
Rủi ro thiên tai do sương mù cấp độ 2 xảy ra khi cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc hoặc khu vực sân bay.
Dự báo sương mù sẽ còn tiếp diễn ở thủ đô Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác ở phía Đông Bắc Bộ trong 2-3 ngày tới. Nhiều nơi giảm xuống dưới 500m, có nơi dày đặc chỉ vài chục mét là trắng xoá không thấy gì. Thời gian sương dày nhất là từ đêm đến sáng.
Tầm nhìn giảm thấp khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Người dân cần lưu ý chú bật đèn vàng, đi đúng làn đường, hạn chế phanh gấp, đánh lái đột ngột để đảm bảo an toàn. Nếu không nhìn được hãy chú ý lắng nghe âm thanh xe cộ xung quanh, với ô tô nên hé cửa kính để nghe được tốt hơn.
Tình trạng nồm ẩm ở Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới, điều này đồng nghĩa với việc, chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ còn xấu kéo dài.
Đợt nồm ẩm lần này có khả năng kéo dài đến đầu tuần sau bởi không khí lạnh suy yếu làm thời tiết ấm dần lên đồng thời gió Đông Nam hoạt động mạnh ở miền Bắc đẩy ẩm từ biển vào trong đất liền.
Ẩm cao khiến nhiệt độ ngoài trời ấm lên nhưng trong nhà vẫn còn lạnh khiến cho hơi nước ngưng tụ bám lại trên bề mặt như nền nhà, tường hay các đồ vật trong nhà gây ra tình trạng nồm ẩm.
Khả năng là tình trạng nồm ẩm còn kéo dài đến giữa tuần sau như tại Thủ đô Hà Nội từ nay đến giữa tuần sau độ ẩm vẫn luôn cao trên 72%, trời mỗi ngày một ấm hơn đến thứ Ba, thứ Tư nhiệt độ tăng lên 24 -25 độ C, vì thế mà nồm ẩm có thể còn gia tăng, không chỉ ở các nhà sát mặt đất mà còn lên cả tầng 2, tầng 3.
Cùng với Hà Nội thì nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc cũng xảy ra hiện tượng nồm ẩm khi mà trưa chiều nay trời tiếp tục ấm lên. Dự báo, nhiệt độ cao nhất ở các thành phố như Ninh Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang sang đến Lào Cai lên tới 22-25 độ C. Riêng Sơn La và Điện Biên Phủ thì ấm hẳn lên tới 28-29 độ C.
Phía Bắc của miền Trung cũng chịu ảnh hưởng của gió Đông Nam nên sáng sớm cũng sẽ xuất hiện sương mù tuy nhiên lượng ẩm không nhiều như miền Bắc nên ít khả năng mưa nên trưa chiều sương tan nhanh khi có nắng. Cùng với đó, nhiệt độ cũng tăng dần, không khí ấm hẳn lên.