Vượt qua nhiều khó khăn, xã Ân Tường Tây, huyện trung du Hoài Ân (Bình Định) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Địa phương này, được biết đến là nơi có đặc sản "Trà Gò Loi" nức tiếng Bình Định và những vườn bưởi danh xanh, nặng trĩu quả.
Từ năm 2019, UBND huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đã tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu tập thể "Bưởi Hoài Ân" và nhãn hiệu chứng nhận "Trà Gò Loi". Đây là 2 sản phẩm cây trồng có hương vị rất đặc biệt của vùng quê Bình Định.
Ông Nguyễn Hữu Oanh - Chủ nhiệm CLB "Trà Gò Loi" Hoài Ân, phấn khởi: "Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho 2 sản này là bước đệm để bà con nông dân đẩy mạnh trồng chè cũng như trồng bưởi, trở thành những cây trồng thế mạnh đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân".
Nói về chất lượng của Trà Gò Loi và Bưởi Hoài Ân, đều là 2 loại cây trồng được người tiêu dùng, đánh giá có chất lượng tốt.
Vị đậm đà và độ ngọt thanh của nước trà Gò Loi chính là đặc trưng làm cho nhiều người nhớ đến.
Theo các chỉ số đánh giá của các nhà khoa học thì Trà Gò Loi không thua kém bất cứ các sản phẩm trà nổi tiếng của cả nước.
Còn với cây bưởi Hoài Ân rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Chất lượng bưởi được đánh giá ngon, ngọt, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ. Nếu vụ nào mưa thuận gió hòa thì cây bưởi đạt chất lượng tốt cả về sản lượng lẫn chất lượng.
Với lợi thế vùng trung du, huyện Hoài Ân đã tập trung phát triển thế mạnh của mình, trong đó có ngành mũi nhọn nông nghiệp.
Địa phương xây dựng nên một "thủ phủ" nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; từng bước đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị, mở rộng thị trường để tạo nguồn thu bền vững.
Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tiếp tục phát huy lợi thế, đã đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho người dân. Thúc đẩy phát triển KT-XH, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Xã Ân Tường Tây có diện tích tự nhiên 6.242,75ha, dân số 8.724 người, được phân thành 6 thôn: Hà Tây, Phú Hữu 1, Phú Hữu 2, Phú Khương, Tân Thạnh, Tân Thịnh.
Xã Ân Tường Tây triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ năm 2011 và được UBND tỉnh Bình Định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, thời điểm năm 2021, xã Ân Tường Tây chỉ đạt 10/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Thế nhưng, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt sự hỗ trợ tích cực của toàn thể nhân dân trong xã, sau hai năm phát động phong trào "Ân Tường Tây chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao", xã Ân Tường Tây hoàn thành 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã Ân Tường Tây có những khởi sắc rõ rệt.
Sản xuất nông nghiệp phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao, chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo. Cảnh quang, môi trường được cải thiện. An ninh trật tự được đảm bảo, người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Với kết quả đã đạt được, xã Ân Tường Tây được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 tại Quyết định số 2112, ngày 13/6/2023.
Theo bà Phạm Thị Thu Hà – Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, trong trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, được thực hiện theo nguyên tắc.
Huy động nguồn lực trong nhân dân, luôn tuân thủ tuyệt đối theo pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Không áp đặt mà luôn khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương, ý chí tự lực, tự cường, tự nguyện của người dân, theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ", "lấy sức dân để lo cho dân".
Ngoài ra, công khai cách làm và tiền đã vận động để dân biết. Đảm bảo các công trình xây dựng có hiệu quả cao, thiết thực, không lãng phí.
"Điểm đặc biệt trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Ân Tường Tây là chúng tôi chọn thế mạnh của từng thôn, xác định nhiệm vụ cụ thể tiến hành thực hiện, sau đó nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã", bà Hà nói.
Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây nêu dẫn chứng, ví dụ như thôn Phú Khương xây dựng các tuyến đường hoa; thôn Tân Thịnh xây dựng vườn cây ăn trái, trang trại, gia trại; thôn Hà Tây, Phú Hữu 2 xây dựng về đường giao thông nông thôn.
Thôn Phú Hữu 1 làm đường điện thắp sáng nông thôn. Hiện nay, xã đang xây dựng 2 thôn khu dân cư kiểu mẫu là thôn Phú Khương và thôn Tân Thịnh.
Với cách làm mới và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Ân Tường Tây đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Thực sự người dân, là chủ thể trong quá trình thực hiện và giám sát hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Những mô hình vườn kiểu mẫu ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ảnh: QN.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, UBND huyện đều có chỉ đạo riêng theo đặc thù từng xã. Xã Ân Tường Tây xây dựng nông thôn mới nâng cao nằm ở giai đoạn đầu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, nên Ân Tường Tây gặp nhiều khó khăn trên đường về đích nông thôn mới nâng cao.
Những thành công mà Ân Tường Tây đạt được là động lực cho huyện Hoài Ân tập trung nguồn lực lớn cho các xã còn lại, về đích nông thôn mới.