Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, trong chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn nhấn mạnh, đây cuộc đấu tranh lâu dài, cần phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa.
Tổng Bí thư yêu cầu xem xét xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, trì trệ, làm cho có, bỏ dở giữa chừng, chờ cho hết thời hạn rồi dừng…
Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; phải thực sự trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo số liệu của ngành nội chính cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến cuối năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 53.000 đảng viên (tăng gấp 2 lần về số tổ chức Đảng và 1,5 lần về số đảng viên bị kỷ luật so với nhiệm kỳ Đại hội XII).
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, đã kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.
Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ, nghỉ công tác như Tổng Bí thư nói là "rút lui trong danh dự". Cùng với đó, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp.
Đến cuối năm 2023, cơ quan chức năng đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 16 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác hơn 160 trường hợp sau khi bị kỷ luật.
Đây là cách làm mới, rất nghiêm khắc, nhưng rất nhân văn, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, xử lý nghiêm minh không có nghĩa là xử quá nặng, mà đảm bảo xử lý đúng bản chất của hành vi vi phạm; xử lý công khai, không úp mở, không giấu giếm, không có án bỏ túi.
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Yên, việc xử lý nghiêm minh cũng là để đối tượng vi phạm nhìn nhận đúng lỗi lầm của họ. Cũng vì lẽ đó, trong những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đã xét xử, tất cả bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước, các cơ quan và xin lỗi cả những bị cáo vì họ mà khiến những người từng là đồng đội, đồng nghiệp phải vào tù.
Từ khi thành lập, riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã theo dõi, chỉ đạo 353 vụ án, trong đó đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 152 vụ án với 1.557 bị cáo.
Trong số 1.557 bị cáo này, có 0,7% bị tuyên án tử hình; 1,8% bị tuyên chung thân. Còn lại, phần lớn mức án được áp dụng nằm trong khung từ 12 tháng đến 20 năm tù, chiếm 89,3%.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp được áp dụng hình phạt như cải tạo không giam giữ, phạt tiền…. Đặc biệt, có 3 trường hợp đã được miễn trách nhiệm hình sự tại tòa.
"Kết quả xét xử được phân hóa sâu sắc và áp dụng đồng bộ, toàn diện các biện pháp. Việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Trong quá trình chỉ đạo xử lý, cũng không chịu sự tác động, can thiệp trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền nào" Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, thời gian qua nhiều địa phương đã phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ diện Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, cán bộ chủ chốt cấp huyện, điển hình như: Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Nam, Hà Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái,…