Những dấu ấn nổi bật xây dựng Đảng về đạo đức hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII

TS Hà Sơn Thái (Học viện Chính trị- Bộ Quốc phòng) Thứ bảy, ngày 03/02/2024 08:31 AM (GMT+7)
Dấu ấn nổi bật xây dựng Đảng về đạo đức hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII là đã làm cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự giác, tích cực rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân...
Bình luận 0

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện

Xây dựng Đảng về đạo đức là kiến tạo nền tảng và phát huy những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, đạo đức được coi là "tài sản vô hình" của con người, thậm chí còn có giá trị hơn cả tài năng (có tài mà không có đức là người vô dụng) hay "con người cần phải có cả tài và đức nhưng đức là gốc". Trong đó, "Cơ sở của đạo đức cộng sản là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng là cơ sở của việc rèn luyện, học tập và giáo dục cộng sản" như V.I.Lênin đã nhấn mạnh. Với toàn Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể" lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Những dấu ấn nổi bật xây dựng Đảng về đạo đức hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh VGP

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. So với Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng không chỉ được đề cập trong Báo cáo chính trị Đại hội, mà còn được thể hiện ở Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đảng ta nhấn mạnh: "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ".

Đối với công tác xây dựng đảng về đạo đức, lần đầu tiên ở một kỳ Đại hội, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đưa nội dung này thành một mục độc lập: "Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức", trong đó chỉ rõ: "Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng".

Những dấu ấn nổi bật xây dựng Đảng về đạo đức hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII- Ảnh 2.

Một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh Đ.X

Xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 

Quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời cụ thể hóa và hiện thực hóa Văn kiện Đại hội XIII, toàn Đảng đã có những dấu ấn nổi bật xây dựng Đảng về đạo đức trong hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua, cụ thể:

Các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Ban Chấp hành Trung ương đến chi bộ đã thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Xuất phát từ vai trò của công tác xây dựng tổ chức đảng về đạo đức cách mạng, từ thực trạng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã chú trọng quan tâm đến công tác xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng về đạo đức và coi trọng việc giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở cấp ủy, tổ chức Đảng của mình.

Nội dung, hình thức và biện pháp giáo dục luôn gắn chặt với việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" của Đảng và Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức các cấp đã tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, vạch rõ những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vô trách nhiệm. 

Đồng thời tăng cường giáo dục toàn thể cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ, trách nhiệm và đạo đức của người cán bộ, đảng viên, cao nhất là tinh thần chí công vô tư. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Thực hiện tốt cơ chế, quy định, chế độ giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XI, XII và Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và toàn Đảng đạt một số kết quả nổi bật. Cấp ủy, tổ chức các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đã làm cho mỗi cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo, coi việc rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm tự giác, tự nguyện và thường xuyên của mọi cán bộ, đảng viên, là nội dung, biện pháp quan trọng góp phần xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh.

Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong từng nội dung học tập, đã liên hệ vận dụng với việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và công tác quản lý tình hình chính trị tư tưởng ở từng cơ quan, đơn vị, gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XI, XII và Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và thực hiện Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm, để từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp uỷ đảng tự kiểm điểm đánh giá bản thân.

Quá trình thực hiện, cán bộ, đảng viên đã có nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng đảng, xây dựng cán bộ, đảng viên, xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó tự giác phấn đấu rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác. Đồng thời cán bộ, đảng viên tích cực tự giác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, có nhiều tấm gương tốt trong hành động, việc làm, thực hiện chức trách; nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý có phương pháp tác phong công tác khoa học, giải quyết tốt các mối quan hệ công tác, gắn bó với tập thể.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa, xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành với từng đối tượng cán bộ, đảng viên. Nội dung các chuẩn mực đạo đức, các tiêu chí của việc học tập và làm theo luôn được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên bổ sung, điều chỉnh phù hợp theo từng năm, nhất là hướng vào thực hiện việc mới, việc khó, những vấn đề đòi hỏi lòng dũng cảm, sự chịu đựng gian khó của cán bộ, đảng viên.

Mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã không ngừng học tập, rèn luyện, thực hiện tốt việc "nói đi đôi với làm". Coi việc "Nói đi đôi với làm" là một phương châm, nguyên tắc chỉ đạo; là phương pháp lãnh đạo, quản lý và là phương pháp công tác của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Từ đó, đã chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh và nghiêm túc phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám làm, nói nhiều làm ít, hoặc nói mà không làm, nói một đường, làm một nẻo, thậm chí, thụ động, trông chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm.

Tóm lại, dấu ấn nổi bật xây dựng Đảng về đạo đức hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII là đã làm cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự giác, tích cực rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn tự rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, biết tự chủ và tự trọng; làm cho Đảng ta xứng đáng là kết tinh đạo đức của dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ phương châm xây dựng Đảng về đạo đức là nền tảng, xây dựng Đảng về tư tưởng là cốt lõi, xây dựng Đảng về chính trị là quan trọng, xây dựng Đảng về tổ chức là then chốt để Đảng ta thực sự thực sự "là đạo đức, là văn minh", ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem