Dân Việt

Ở Sơn La, mùa xuân đang khoác lên “miền quê cổ tích” này một tấm áo mới thật đẹp, đó là ở đâu?

Văn Ngọc 07/02/2024 13:36 GMT+7
Mùa xuân đang khoác lên “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến - xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Mường La (Sơn La) – tấm áo mới thật đẹp. Các bản, làng khang trang hơn, đời sống của người dân ổn định, sung túc hơn… khiến Ngọc Chiến thực sự trở thành miền quê đáng sống.

Niềm vui từ sự chung sức, đồng lòng

Những ngày cuối cùng của năm Quý Mão, đến các bản làng vùng cao của xã Ngọc Chiến, thấy đâu đâu cũng náo nức không khí chuẩn bị đón tết vui xuân. Khắp bản trên xóm dưới, lực lượng Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân cùng nhau dọn đẹp về sinh môi trường làng bản sạch sẽ, khang trang, cơ hoa rực rỡ sắc hoa.

Tại bản Phày bây giờ không còn nhà ở tạm, các tuyến đường, trục bản, đường ngõ xóm, đường vào hộ gia đình được đổ bê tông sạch sẽ. Dọc các tuyến đường được tạo hình và ghép bằng đá suối, với những hình ảnh về con người, phong cảnh thiên nhiên của xã… rất bắt mắt và độc đáo. Ông Lường Văn Phên - dân bản Phày, năm nay đã ngoài 50 tuổi, có lẽ những thay đổi của bản làng sau khi triển khai xây dựng nông thôn mới thì ông là người hiểu và nắm rõ nhất.

Ông Phên chia sẻ: Trước đây khi chưa xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đường đi lại còn bùn đất, nông sản làm ra khó tiêu thụ được. Người dân muốn phát triển kinh tế, làm giàu cũng khó. Từ khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, chúng tôi hiểu được là chương trình làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Nên người dân trong bản ai ai cũng đồng lòng hiến đất, đóng góp ngày công, dịch hàng rào góp sức làm đường…

"Từ khi có nông thôn mới, đường bản được mở rộng, đi lại rất thuận tiện. Rồi có nhà văn hóa để họp hành. Có trường học khang trang để con em chúng tôi yên tâm đến lớp. Gia đình nào trong bản cũng thi đua phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả... để tăng thu nhập, giờ trong bản không còn nhà nào đói nghèo nữa. Chúng tôi bảo nhau phải giữ vệ sinh môi trường xóm, bản, có như vậy mới hút được khách du lịch..." - ông Phên nói.

Ông Lò Văn Sây - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, không cần mở sổ sách mà rành mạch cung cấp cho phóng viên những con số: Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Ngọc Chiến đã huy động tổng vốn ngân sách nhà nước bố trí đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 46,7 tỷ đồng, tổng vốn nhân dân và xã hội hóa để làm đường giao thông nông thôn và công trình phục vụ cộng đồng là 115 tỷ đồng, nhân dân tự đóng góp tiền và ngày công. Tổng diện tích đất hiến để xây dựng đường giao thông là 33.333,6m2; tổng số hộ hiến đất: 833 hộ.

Ở Sơn La, mùa xuân đang khoác lên “miền quê cổ tích” này một tấm áo mới thật đẹp, đó là ở đâu?- Ảnh 1.

Anh Quàng Văn Xiên (bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến) chăm sóc đàn trâu của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Sức vươn sau 10 năm

Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, chia sẻ, hơn chục năm trở về trước, xã Ngọc Chiến còn rất bề bộn và hoang sơ, đời sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn. Ở các bản làng vùng cao, cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo bám đồng bào… Đảng bộ xã Ngọc Chiến đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng để đưa xã nhà vươn lên. Đảng ủy xã đã ban hành 77 chủ trương, triển khai 77 việc làm cụ thể xây dựng nông thôn mới.

Đảng ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ công tác "Ngày thứ 7 cùng với dân", cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Lãnh đạo UBND xã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và phân nhiệm vụ cụ thể trực tiếp rõ người rõ việc cho các tổ chức chính trị xã hội. Mỗi một tổ chức nhận một việc khó, một việc phức tạp để triển khai thực hiện, từ đó đã xây dựng được khối đại đoàn kết, ý Đảng đều hợp lòng dân, tất cả các việc làm đều được thực hiện có hiệu quả.

"Đến thời điểm này, bộ mặt nông thôn mới xã Ngọc Chiến đã thay đổi, đời sống của nhân dân về vật chất và tinh thần đều được nâng lên. Nhiệm vụ trọng tâm của Ngọc Chiến tới đây là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với hình thành và phát triển du lịch ngày càng rõ nét" - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến nói.

Các tuyến đường giao thông liên xã, liên bản, đường nội đồng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đáp ứng đúng yêu cầu của người dân nên nhận được sự đồng tình ủng hộ và tự nguyện hiến đất, hiến công, hiến tiền của thực hiện. Toàn xã có 103,92km đường giao thông, trong đó 25,8km đường xã; 25,66km đường trục bản và đường liên bản; 23,22km đường ngõ xóm; 29,24km đường trục chính nội đồng. Hệ thống thủy lợi được xây dựng đồng bộ với 57 công trình, đảm bảo đủ nước tưới cho 730,8ha diện tích ruộng lúa và diện tích cây trồng tập trung. Toàn xã đã có 2.261 trên tổng số 2.305 hộ có nhà đạt chuẩn, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Công trình y tế được xây dựng mới đạt chuẩn quốc gia…

Xuân no ấm trên vùng quê nông thôn mới

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn xã triển khai có hiệu quả các phong trong thi đua như "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới".

Ông Lường Văn Xiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến, chia sẻ: Nông dân xã Ngọc Chiến triển khai có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế như: Chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá lồng, trồng rau hoa chất lượng cao... Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. "Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững, có 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao. Trên địa bàn xã có 2 HTX sản xuất kinh doanh và hoạt động có hiệu quả theo Luật HTX năm 2012" – ông Xiên cho hay.

Ở Sơn La, mùa xuân đang khoác lên “miền quê cổ tích” này một tấm áo mới thật đẹp, đó là ở đâu?- Ảnh 2.

Đến thăm gia đình anh Quàng Văn Xiên ở bản Đông Xuông, chúng tôi khá ấn tượng về mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Chuồng trại chăn nuôi trâu, bò của gia đình anh được xây dựng kiên cố, thoáng mát, có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Anh Xiên chia sẻ: Sau khi được các cấp chính quyền địa phương, Hội Nông dân vận động tuyên truyền, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi. Mỗi năm gia đình anh duy trì đàn trâu, bò từ 150 – 200 con. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, gia đình anh đã dành một phần đất nương sản xuất kém hiệu quả để trồng cỏ voi, làm nguồn thức ăn chính cho đàn gia súc. Ngoài ra, để đàn trâu, bò phát triển, khỏe mạnh, gia đình anh tuân thủ theo khuyến cáo của khuyến nông, thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, tiêm phòng đầy đủ.

"Mỗi năm gia đình tôi xuất bán 4 lứa trâu, bò sau khi vỗ béo, thu lời hơn 200 triệu đồng. Nhờ được vận động tuyên truyền, giờ tôi biết chăn nuôi như nào cho hiệu quả rồi. Không sợ cái đói cái nghèo nữa. Có tiền cho con cái đi học, có tiền để đầu tư làm nhiều việc khác nữa..." - anh Xiên nói.