Đầu năm mới, phóng viên Dân Việt có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan Để làm rõ từ khóa "chạm để kết nối" và định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững trong năm 2024.
Chạm để kết nối" - Bộ trưởng đã nhấn mạnh điều này trong kế hoạch 2024 của ngành. Vậy, Bộ trưởng muốn gửi gắm những nút "chạm" nào đi sâu, đi trúng hơn để nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta tiếp cận với các mục tiêu tăng trưởng mới?
- "Chạm" là một từ khóa, nói dễ hiểu hơn là mình chạm vào một thiết bị công nghệ nào đó để tìm kiếm thông tin, nắm bắt diễn biến hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng, rồi thiên tai, bão lũ, động đất, mùa vụ… "Chạm" là một khái niệm tương tác, từ tương tác đó mới đến kết nối.
Nông nghiệp có đặc thù mang tính chất liên ngành. Nông nghiệp không chỉ dừng lại ở sản xuất mà còn có chế biến, thương mại, rồi thị trường, kết nối thành một chuỗi ngành hàng. Trong chuỗi ngành hành đó, có những nhà khoa học, có viện, trường, có doanh nghiệp, có người nông dân. Mỗi cái là một nút chạm để mình tương tác, để mình chia sẻ.
Ngành nông nghiệp lại có đặc thù từ Trung ương tới địa phương, chạm để mình tương tác với các tầng lớp trong các ngành chuyên môn từ Trung ương, xuống tỉnh, huyện, xã, thậm chí tới tận thôn, bản, nhất là một hệ sinh thái ngành hàng mà hai chủ thể quan trọng nhất là người nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thì chạm để kết nối được cái đó. Chỉ khi nào hệ sinh thái có cùng một mục tiêu, nhận thức và hành động như nhau thì lúc đó ngành nông nghiệp chúng ta sẽ phát triển bền vững.
Bên cạnh những thành tựu trong năm 2023 hay nhiều năm qua, chúng ta thấy có điều gì đó đứt gẫy trong hệ sinh thái đó. Mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp hay mối hợp tác giữa nông dân với nông dân trong vùng nguyên liệu với hợp tác xã đôi khi cũng không được gắn bó một cách chặt chẽ.
Đây là những nút thắt chúng ta "chạm để kết nối" lại, "chạm" để tương tác, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái ngành hàng lại với nhau.
Từ đó, chúng ta nhất quán chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị, chuyển từ một nền nông nghiệp nâu sang nền nông nghiệp xanh. Việc chuyển đổi này có rất nhiều cái mới, khác với những gì chúng ta nghĩ trong quá khứ. Quá khứ chúng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất là tạo ra sản lượng nhiều nhất và chúng ta cứ nghĩ rằng sản lượng nhiều đó sẽ đồng nghĩa với sự phát triển, đồng nghĩa với thu nhập người nông dân.
Trong nền kinh tế thị trường, điều đó đôi khi không phải, được mùa đôi khi nó lại bị mất giá, được mùa sản lượng nhiều nhưng đôi khi lại bị mất giá. Đó là một "lời nguyền" cho nên chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy giá trị nó đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của tất cả các chủ thể từ người nông dân cho tới doanh nghiệp và sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học với mục đích là tạo ra giá trị gia tăng trong từng lúc của chuỗi ngành hàng đó, từ giống, nuôi trồng canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch sơ chế, chế biến, bao bì, đóng gói phân phối thị trường. Mỗi lúc đó là một cái "chạm" để chúng ta khơi gợi, "chạm" để mang lại sự đồng nhất, thống nhất của mọi thành phần trong chuỗi ngành hàng đó.
Được biết, Bộ NNPTNT đã đưa ra mục tiêu xây dựng 80% dữ liệu về nông nghiệp cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn, vậy bước sang năm 2024, theo Bộ trưởng chúng ta có định hướng cụ thể nào để tăng tốc, bứt phá nhằm đạt được những mục tiêu, kỳ vọng Bộ đã đề ra?
- Mọi cái đều phải có sự đo lường. Có đo lường chúng ta mới biết chúng ta đang đứng ở đâu để sau một thời gian chúng ta nhìn lại thấy tăng hay giảm để tiến về mục tiêu chung. Bộ NNPTNT đang xây dựng những thang đo khi chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang một nền nông nghiệp với tư duy kinh tế, một nền nông nghiệp chưa sử dụng nhiều công nghệ với một nền nông nghiệp bắt đầu ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có dữ liệu lớn.
Chúng tôi thấy một hiệu ứng ngoài xã hội cũng rất lớn, mặc dù nó cũng còn nhiều vấn đề, những mảnh ghép đang còn rời rạc, trách nhiệm của Bộ là gắn những mảnh ghép đó để đi cùng nhau cho chặt chẽ hơn. Chúng ta biết làm tốt điều đó chính là tăng năng lực cạnh tranh của nông sản đối với thị trường quốc tế.
Trong năm 2024, Bộ trưởng có thể cho biết những chiến lược, hành động cụ thể của ngành nông nghiệp để giúp người nông dân, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ bứt phá hơn nữa?
- Năm 2024 là năm mà Bộ NNPTNT được Thủ tướng Chính phủ giao phải triển khai đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đó là mục tiêu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - một vựa lúa của cả nước. Từ đề án 1 triệu ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta sẽ mở rộng ra các vùng trồng lúa khác của Việt Nam; từ ngành hàng lúa gạo chúng ta sẽ chuyển sang các ngành hàng khác như thủy sản, chăn nuôi gắn với tăng trưởng nông nghiệp xanh, góp phần giảm thải khí carbon, khí methane.
Với chiến lược mà Thủ tướng rất tâm huyết và đã kết nối được rất nhiều nhà tài trợ quốc tế để hỗ trợ chúng ta định vị lại một ngành hàng lúa gạo phải thay đổi toàn bộ nhận thức của người nông dân trồng lúa rằng, bằng một giải pháp công nghệ, có thể chúng ta tiết kiệm hơn mà chúng ta vẫn đạt được sản lượng tốt hơn, chất lượng hạt gạo chúng ta tốt hơn mà chúng ta chứng minh với thế giới rằng hạt gạo đó là hạt gạo xanh.
Thành ra, thông điệp của Festival lúa gạo Hậu Giang là "gạo xanh, sống lành". Bởi hạt gạo đó được trồng từ một quy trình canh tác không phát thải khí carbon và một ngành lúa gạo tuần hoàn từ phụ phẩm rơm rạ, trấu tro của rơm sẽ biến thành sản phẩm khác, người nông dân của chúng ta vừa được hưởng thành quả từ hạt gạo của mình, vừa bán được chứng chỉ carbon, vừa tham gia vào tạo ra những sản phẩm từ cái chúng ta gọi là phụ phẩm của ngành lúa gạo. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho nông nghiệp, nông thôn, cho kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Thị trường ngày càng khó tính hơn
Khó khăn bao giờ cũng có, nó không chỉ năm 2023 mà sẽ tới năm 2024. Thị trường luôn là một điều bí ẩn, bình thường nó đã là điều bí ẩn, nó không phải do quy luật cung cầu tác động mà do rất nhiều yếu tố, thậm chí những yếu tố ngoại giao, chính trị. Những điều khó lường vẫn còn ở phía trước, nhưng chúng ta phải xác định thị trường càng ngày càng khó tính hơn.
Do đó, doanh nghiệp và người sản xuất phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tìm ra được những thị trường ngách. Thay vì ngồi than, chúng ta phải cùng hợp lực, cùng nhau tìm giải pháp để chúng ta chủ động xoay chuyển được tình thế, xoay chuyển được trạng thái mà như Thủ tướng Chính phủ phát biểu trong hội nghị tổng kết, ngành nông nghiệp đã vượt con gió ngược nhờ chủ động thích ứng, chủ động chuyển đổi trạng thái. Khi thị trường này đóng cửa thì chúng ta mở cửa thị trường khác, khi ngành hàng này sụt giảm thì chúng ta lấy ngành hàng khác thay thế.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan