"Giáo viên có phải trực Tết không?" là câu hỏi nhiều giáo viên trên cả nước đang quan tâm trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024. Nhiều giáo viên bất bình, thậm chí bức xúc vì hiệu trưởng thường phân công theo kiểu ép buộc và trực Tết không công. Cứ trước ngày nghỉ là hiệu trưởng gửi bảng phân công trực Tết (đủ các loại thành phần) mà không cần hỏi xem giáo viên có đồng ý trực hay không và chỉ yêu cầu những người có tên trong danh sách thực hiện nghiêm túc, không trực thay.
Cũng không ít giáo viên đặt ra câu hỏi: "Giáo viên trực Tết để làm gì? Trông trường ư? Đấy là nhiệm vụ, công việc của bảo vệ. Tiếp khách ư? Đó là việc của lãnh đạo. Thế nhưng hiệu trưởng lại bắt thầy cô đến trường trực trong ngày Tết. Nghỉ Tết phải là nghỉ hết chứ, trừ những trường hợp đặc biệt như quân đội, bệnh viện, cảnh sát, phòng cháy... còn khối hành chính sự nghiệp thì không hiểu đến trường để làm gì?".
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, không phải trường nào cũng yêu cầu giáo viên phải trực Tết và làm "không công". Thầy Nguyễn Minh Phi, hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: "Giáo viên trường tôi hầu hết xa quê nên trong những ngày nghỉ Tết thường chỉ có Ban Giám hiệu và bảo vệ trực. Thông thường mỗi người sẽ chịu trách nhiệm trực 1 ngày hoặc 1 buổi, mỗi buổi 2 tiếng".
Theo thầy Phi, Ban giám hiệu vẫn phải trực ngày Tết Nguyên đán để giải quyết các công việc đột xuất ở trường. Người trực sẽ có chế độ theo quy định.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Gia Lâm cũng cho biết: "Trường chỉ phân công cho Ban Giám hiệu và bảo vệ trực vào ngày Tết. Lịch trực sẽ phân công mỗi người một buổi. Ngày này không phải làm gì vất vả mà đến để xử lý công việc và tiếp khách nếu có".
Hiện nay không có quy định nào yêu cầu giáo viên phải đến trường trực Tết. Do đó giáo viên không bắt buộc phải trực Tết và có thể từ chối nếu muốn.
Theo Điều 13 Luật Viên chức 2010, giáo viên có quyền được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ hoặc nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật lao động. Tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 1 ngày tết Dương lịch, 5 ngày tết Âm lịch.
Như vậy, nghỉ Tết là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động cũng như giáo viên. Nhà nước cũng không có quy định nào yêu cầu giáo viên phải đến trường trực Tết nên có thể từ chối việc này nếu muốn.
Nếu đồng ý đến trường trực Tết, giáo viên sẽ được coi là làm thêm giờ, có thể được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập, theo khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức.
Tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Cụ thể, vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.
Việc yêu cầu giáo viên trực Tết khi họ không đồng ý là vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động và có thể bị phạt hành chính đến 25 triệu đồng, theo Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.