Giao bài tập Tết cho học sinh: Cô giáo nói "không", phụ huynh tự tìm bài ép con phải làm

Tào Nga Chủ nhật, ngày 04/02/2024 06:48 AM (GMT+7)
Với quan điểm việc học mới là chính của con, Tết thì năm nào cũng có nên không quá quan trọng phải dành 2-3 tuần nghỉ chỉ để ăn chơi, nhiều phụ huynh đã tự giao bài tập Tết cho học sinh.
Bình luận 0

Phụ huynh áp lực tự giao bài tập Tết cho học sinh

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Nguyễn Tân Thành, phụ huynh có 2 con học lớp 5 và 9 ở Hà Nội đồng tình với việc giáo viên phải giao bài tập Tết: "Con tôi đang học cuối cấp và chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp căng thẳng. Nếu nghỉ Tết dài ngày mà không có bài tập sẽ lãng phí thời gian của các con, đồng thời khi quay trở lại đi học các con lại cần có thời gian bắt nhịp. Vì vậy tôi muốn giáo viên giao nhiều bài tập Tết cho học sinh càng tốt".

Trong khi đó, mặc dù giáo viên không giao bài tập Tết cho học sinh để có ngày nghỉ được trọn vẹn thì nhiều phụ huynh lại tự giao bài tập cho con. Mới đây, một bà mẹ ở TP.HCM đã lên kế hoạch trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 16 ngày sắp tới, cô con gái lớp ba của chị sẽ phải hoàn thành ít nhất 320 bài tập khiến mọi người phải choáng.

Theo chia sẻ của bà mẹ này, mỗi ngày chị sẽ yêu cầu con làm ít nhất 20 bài tập cho 4 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, science (môn khoa học bằng tiếng Anh), mỗi môn 5 bài. Như vậy, 16 ngày nghỉ Tết, ít nhất con phải làm 320 bài tập. Con có thể xếp lịch sáng hoàn thành bài tập 2 môn, tối 2 môn.

Giao bài tập Tết cho học sinh: Cô giáo nói "không", phụ huynh tự tìm bài ép con phải làm- Ảnh 1.

Một phụ huynh tự giao bài tập Tết cho con. Ảnh: Tào Nga

"Trừ một vài bài nâng cao thì phần lớn bài tập lớp 3 chủ yếu tính toán đơn giản, điền, nối đáp án. Khối lượng bài tập này tôi tự chọn trong sách, in từ trên mạng và cả nhờ một số giáo viên ở lớp dạy thêm lên đề cương. Nếu ngày nào di chuyển, đi lại nhiều hay có lịch phát sinh, con có thể làm bù sang ngày khác nhưng việc ngày nào xong ngày đó. Tôi muốn con giữ nề nếp kỷ luật về học tập bất cứ bối cảnh nào. Hơn nữa, cũng là dịp để con củng cố, nắm chắc hơn kiến thức", phụ huynh này cho biết.

Tương tự, chị Lê Mai Hương, phụ huynh có con học lớp 5 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho hay: "Năm nào tôi cũng giao thêm bài tập cho con làm. Bây giờ trên mạng có rất nhiều đề mẫu, chỉ cần tìm kiếm những bài tập phù hợp rồi tải xuống, in ra cho con làm. 

Năm nay con học cuối cấp và xác định thi trường chuyên, lớp chọn nên việc học càng không được nghỉ ngơi ngày nào. Việc học mới là chính của con, Tết thì năm nào cũng có nên cũng không quá quan trọng phải dành 8 ngày nghỉ chỉ để ăn chơi. Ban ngày con có thể đi chúc Tết cùng gia đình nhưng tối đến con nhất định phải ngồi vào bàn học dưới sự giám sát của mẹ. Nhìn thấy con nhà người ta học không ngừng nghỉ tôi lại sốt ruột".

Một phụ huynh khác có con học lớp 3 cũng yêu cầu mỗi ngày con phải làm 5 bài Toán và viết 1 bài văn trong ngày nghỉ Tết vì sợ con chơi nhiều quên kiến thức.

Có nên giao bài tập Tết cho học sinh?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Trần Thùy Dương, hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho hay: "Đối với học sinh trường Ams, việc học luôn dựa vào ý thức tự giác và đam mê. Không chỉ việc học tập mà trong sáng tạo nghệ thuật, nếu không có đam mê thì khó có thể thành công được. Thế nên nghỉ Tết là ngày cho các con được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng, sáng tạo của mình. Bài tập giao cho các con cũng chỉ là những bài tập hàng ngày bình thường, mặc dù có bạn theo đội tuyển thì Tết vẫn say mê làm bài thêm.

Quan điểm của chúng tôi là không giao bài tập theo hình thức hành chính, để học sinh thở dài "Trời ơi ngày mai phải đến trường rồi, buồn quá". Ngược lại, học sinh chúng tôi đến trường lại rất vui vì được gặp lại nhau, gặp lại thầy cô. Chúng tôi luôn tạo cho học sinh mong muốn được đến trường chứ không phải sợ đến trường".

Chia sẻ với báo chí, ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GDĐT TP.HCM, khẳng định không nên ra bài tập cho học sinh dịp Tết, nhất là đối với học sinh tiểu học. Bộ não của con người có một dung lượng nhất định không phải cứ nhồi nhét kiến thức liên tục là được. Việc vui chơi, tinh thần thoải mái cũng giúp trẻ dễ dàng khôi phục các kiến thức đã học chứ không phải chơi là sẽ quên như nhiều người lo lắng.

Đây là thời gian để các em trải nghiệm, vui chơi và có thời gian tìm hiểu văn hóa, làm giàu tình cảm gia đình... Đối với những học sinh ở bậc học cao hơn, cũng cần tùy vào đối tượng để nhà trường, giáo viên ra bài tập cho các em.

Học sinh cuối cấp cần duy trì chế độ học tập đều đặn thì cũng chỉ cần những bài tập nhẹ nhàng, chứ không nên có những bài tập gây áp lực, căng thẳng cho học sinh dịp Tết.

TS Nguyễn Đức Danh, trưởng khoa Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM khẳng định vẫn cần thiết nếu có cách làm phù hợp: "Tôi thấy nếu ra cho học sinh một số bài tập mang tính vận dụng, ôn tập những kiến thức đã học trong học kỳ 1 như việc sưu tầm, ghi lại những hình ảnh chuẩn bị Tết, lau dọn nhà, nấu bánh tét, đi chợ Tết, thăm ông bà... và gắn với nội dung môn tiếng Việt, giáo dục công dân, lịch sử, hoạt động trải nghiệm... thì nên. Vì điều này không chỉ giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học mà còn giúp các em làm sâu sắc thêm các hoạt động Tết của mình với gia đình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem