Những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, PV Dân Việt có dịp trở lại thành phố biển xinh đẹp Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) để du xuân và chiêm ngắm cảnh đẹp có một không hai ở công viên đá lớn nhất, độc đáo nhất ở Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Từ TP Phan Rang – Tháp Chàm, chúng tôi vi vu bằng xe máy và được dịp chiêm ngắm cảnh đẹp hữu tình trên cung đường ven biển Ninh Thuận.
Suốt chặng đường gần 30km là những rừng cây, núi đá uốn lượn, những bãi biển trong xanh hút tầm mắt.
Công viên đá nằm khuất giữa lòng Vườn Quốc gia Núi Chúa ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) vẫn giữ được nét hoang sơ, kỳ thú đến lạ thường.
Từ cổng vào ở tỉnh lộ 702, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Văn Hùng – nhân viên phòng bảo tồn rừng và biển Vườn Quốc gia Núi Chúa để "cuốc bộ" dọc đường mòn vào đến công viên đá. Xuống chặng đường hơn 3km giữa rừng là cảnh sắc mùa xuân đầy nắng gió, hương cỏ dại phảng phất theo gió biển tỏa mát cả một vùng.
Theo anh Nguyễn Văn Hùng, công viên đá có diện tích khoảng hơn 2ha được phát hiện vào khoảng năm 2014 nhưng đến năm 2021 mới bắt đầu được khai thác du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách từ đó đến nay.
"Công viên đá nằm trải dài dọc bờ biển với hàng triệu phiến đá có hình thù độc lá mà thiên nhiên ban tặng. Công viên đá nằm trong quần thể thuộc hệ sinh thái rừng lùn trên núi đá, được bao bọc bởi các loại thực vật có khả năng chịu hạn trong điều kiện khí hậu quanh năm khô nóng…", anh Hùng cho hay.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, công viên đá nơi đây là nơi giao thoa giữa rừng và biển. Những dãy núi đá xếp chồng lên nhau trải dài ra tận mép biển tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp hiếm nơi nào có được.
Những phiến đá sừng sững tồn tại qua hàng triệu năm dưới cái nắng, cái gió của đất trời Ninh Thuận, bị bào mòn thành đủ kiểu dáng, hình dạng kỳ thú. Đây cũng chính là điểm tạo nên sự khác biệt của bãi đá này.
Các khối đá được hình thành tự nhiên với đủ hình dáng, kích thước khác nhau, tạo thành những hình thù độc đáo khiến du khách liên tưởng đến các con vật như chim, cá mập, voi, khủng long, rắn, đà điểu,… hay đồ dùng như bình trà, ghế ngồi,…
Du khách Hoàng Minh Thịnh đến từ TP. Hồ Chí Minh thích thú chia sẻ, đây là lần thứ 4 anh đến với Ninh Thuận nhưng là lần đầu đến tham quan công viên đá đúng dịp năm mới 2024. "Tôi rất ấn tượng bởi nét hoang sơ và thiên nhiên hùng vĩ nơi đây.
Có núi, có biển, có rừng… phong cảnh cứ ngỡ như lạc vào cõi thần tiên ở nước phương tây. Chắc chắn tôi sẽ trở lại tham quan trải nghiệm cùng bạn bè trong thời gian tới…", anh Thịnh cho hay.
Đứng ở công viên đá phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi cảm nhận được không khí mát lành lộng gió từ biển xanh. Bên là bờ đá trải rộng, hướng mặt về đại dương xanh thẳm rì rào sớm tối.
Sự kiến tạo một cách tình cờ nhưng đầy kỳ vĩ của tạo hóa này đã giúp bức tranh một góc Vườn Quốc gia Núi Chúa thêm phần sinh động và lôi cuốn, đặc biệt là thời khắc được cho là đẹp nhất vào mỗi ngày - hoàng hôn và bình minh.
Theo anh Nguyễn Văn Hùng - nhân viên phòng bảo tồn rừng và biển Vườn Quốc gia Núi Chúa, công viên đá như một món quà mà tạo hóa đã ban tặng vùng đất "gió như phan, nắng như rang" này. Tuy mộc mạc, hoang sơ nhưng vô cùng hấp dẫn và mới lạ để du khách trong nước và quốc tế.