Theo ghi nhận, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 49 USD, xuống 3.188 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 48 USD, còn 3.068 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 2,45 cent, xuống 189.50 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 2,30 cent, còn 186,70 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm đồng loạt 1.000 đồng/kg. Chi tiết, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 77.200 - 78.400 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 77.200 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai và với giá 77.900 đồng/kg. Song song đó, tỉnh Đắk Lắk có giá là 78.000 đồng/kg và tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 78.400 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương.
Các quỹ và đầu cơ tiếp tục thanh lý vị thế ròng do đã “quá mua” sau thất vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định chưa thay đổi mức lãi suất hiện hành khiến lo ngại rủi ro tăng cao đã làm hầu hết giá cả hàng hóa đồng hoạt sụt giảm.
Trong khi các yếu cơ bản của các thị trường cà phê kỳ hạn vẫn chưa có gì thay đổi ngoài một số dự báo sản lượng vụ mùa 2022/2023 của Brazil tiếp tục được đưa ra cho thấy hầu hết đều cao hơn con số dự báo của Conab.
Mới nhất là các nhà tư vấn – phân tích đã nâng ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2022/2023 của Brazil lên 61,1 triệu bao so với ước tính trước đó là 58,9 triệu bao.
DXY tăng lên mức cao 3 tháng sau các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn tăng trưởng hết sức lạc quan, kết quả là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn đã tăng 4% sau khi Chủ tịch Fed phát biểu khả năng sẽ không có thêm 6 đợt xem xét cắt giảm lãi suất vào năm 2024 như thị trường dự kiến.
Đồng Reais – Brazil giảm 0,27%, đưa tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 4,9811 R$ do lo ngại Fed sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến của thị trường để bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản, góp phần hỗ trợ người Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu do họ sẽ thu về được nhiều nội tệ hơn, trong khi điều kiện khô hạn tại các vùng trồng tiếp tục hỗ trợ giá cà phê tại thị trường nội địa Brazil.
Theo báo cáo của USDA, nhập khẩu cà phê của hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều được dự báo tăng trong niên vụ 2023-2024.
USDA dự báo nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, chủ yếu do xuất khẩu mạnh hơn từ Brazil.
Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan không đổi ở mức 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao. Nhập khẩu cà phê của EU chủ yếu là cà phê nhân chưa rang, chiếm khoảng 90% tỷ trọng.
Các nhà cung cấp hàng đầu của khu vực trong niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 9) gồm Brazil (32%), Việt Nam (26%), Uganda (7%) và Honduras (6%).
EU đã nhập khẩu kỷ lục 49,1 triệu bao vào niên vụ 2021-2022, nhưng giảm 2,6 triệu bao trong vụ 2022-2023 do nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh dù được bù đắp phần nào bởi mức tăng từ Việt Nam.
Việc EU nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam và giảm mua từ Brazil, cho thấy các nhà rang xay có xu hướng sử dụng nhiều Robusta hơn. Hai quốc gia này chiếm 54 - 58% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của EU trong 10 năm qua, để lại thị phần hạn chế cho các nhà cung cấp khác.