Cụ thể, trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp, Bảo đảm an toàn (BĐAT) hàng hải miền Bắc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý nội bộ phù hợp với quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý điều hành.
Rà soát hệ thống định mức trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động nội bộ, đơn giá tiền lương và chi phí khác để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành phù hợp với tình hình thực tế.
Doanh nghiệp này tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý, công tác tài chính.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các đơn vị trực thuộc, công ty con; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong phương án cơ cấu tài chính, vốn, tài sản, doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, thực hiện đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước về quản lý vốn nhà nước, quản lý đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.
Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2023 - 2025 theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng và trang thiết bị, phương tiện, phần mềm phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt tại Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành tại Ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam.
Đề án cũng yêu cầu cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý của BĐAT hàng hải miền Bắc. Qua đó, đơn vị này rà soát, đánh giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy điều hành, có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí, sắp xếp lao động phù hợp với yêu cầu công việc trong tình hình mới, cũng như thực hiện kế hoạch tiền lương phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động.
Ngoài ra, nghiên cứu, phối hợp với các tổ chức đào tạo có uy tín trong nước, tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức ngành nghề trên thế giới trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới khoa học, công nghệ.
Doanh nghiệp cần chỉ đạo các đơn vị thành viên cơ cấu lại nhân sự theo hướng tinh gọn, phù hợp chiến lược phát triển và yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Đối với công ty mẹ, cần hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý. Trong đó, giải thể 3 phòng chuyên môn gồm: Phòng Thanh tra Bảo vệ - Quân sự; Phòng Thông tin và Phòng Hợp tác quốc tế.
Đáng chú ý, với công ty con, tiến hành thành lập mới Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải miền Bắc trên cơ sở hợp nhất các Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải Khu vực II, III, IV, VI, hoàn thành trước ngày 1/7/2024.
Đề án cũng đặt ra những mục tiêu của BĐAT hàng hải miền Bắc trong việc đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, từ việc đầu tư trang thiết bị chuyên ngành, cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải, cơ sở dữ liệu quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số phục vụ công tác tổng quan, kiểm tra đê, kè, báo hiệu hàng hải trên luồng nhằm thu thập hình ảnh hiện trạng trực quan, trung thực phục vụ cho cấp quản lý, nhà chuyên môn có những quyết định chính xác, kịp thời; Nghiên cứu đầu tư chương trình, phần mềm, thiết bị mô phỏng phục vụ công tác đào tạo hoa tiêu, thử nghiệm chạy tàu và trong việc thiết kế, bố trí báo hiệu hàng hải, luồng hàng hải.
Cùng đó, tăng cường quan hệ, hội nhập, hợp tác quốc tế và tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm nâng cao vị thế quốc gia, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; tiếp cận trình độ kỹ thuật cao phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Đề án định hướng BĐAT hàng hải miền Bắc phải nâng cấp, hoàn thiện hệ thống báo hiệu hiện có, thiết lập mới hệ thống báo hiệu ở các vùng biển và các tuyến luồng hàng hải phù hợp với yêu cầu của hệ thống cảng biển; thiết lập hệ thống báo hiệu hàng hải vô tuyến; đầu tư đồng bộ các cơ sở sản xuất phụ trợ, các cơ sở điều hành quản lý, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý và sản xuất.
Phấn đấu đến năm 2025, hạ tầng kỹ thuật Bảo đảm an toàn hàng hải đạt trình độ tiên tiến so với khu vực và theo kịp xu thế phát triển của thế giới.
Chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực toàn diện, đồng bộ phù hợp sự phát triển của ngành theo hướng tuyển chọn nhân lực có trình độ cao. Nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý; trình độ cán bộ kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ và trình độ công nhân kỹ thuật.
Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải và ngành hàng hải, đường thủy nội địa.