Bà con nông dân tất bật ra đồng chăm sóc và thu hoạch rau xanh phục vụ Tết 2024. Thực hiện: Song Phúc.
Là một trong những vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội, thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung ứng mặt hàng này cho thị trường tiêu dùng Thủ đô.
Trên cánh đồng đất bãi thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, nhiều nông dân đang tất bật chăm lứa rau vụ Tết. Tất bật tưới nước cho 3 sào rau cải Đông Dư - bà Trần Thị Dần cho biết, vụ Đông năm nay, gia đình bà gieo trồng 1,5 mẫu rau, với các giống chủ yếu là củ cải, cải chíp, cải ngồng, cải đông dư,...
"Trên từng chân ruộng, gia đình tiến hành trồng rau theo phương pháp gối lứa (mỗi lứa cách nhau 15-20 ngày). Do đó rau được thu hoạch liên tục, mang lại thu nhập đều và tránh rủi ro", bà Dần chia sẻ.
Theo bà Dần, thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 30-50 ngày (tùy thời tiết và tùy loại rau), mỗi sào thu được từ 6 đến 8 tạ rau, nếu giá bán ổn định, gia đình có thể thu nhập 8-15 triệu đồng.
Để kịp thu hoạch rau cải cho tiểu thương đặt hàng, cùng với 2 nhân công trong gia đình, bà Hoa phải mượn thêm 3 người cùng thu hoạch.
Là một hộ trồng rau lâu năm của thôn cũng là thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, ông Vũ Bá Đồng cho biết, gia đình ông trồng 1,5 mẫu rau, gồm: 3 sào cải Đông Dư, 12 sào củ cải trắng.
Những ngày này, ngoài việc tích cực chăm sóc và thu hoạch các loại rau màu, sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết, người trồng rau huyện Mê Linh còn áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng VietGAP, hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Không chỉ tiêu thụ ổn định trên địa bàn Hà Nội, sản phẩm nông sản của huyện Mê Linh mà còn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương khác, như: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… Mỗi ngày, các "vựa rau" của Mê Linh cung ứng cho các thị trường từ 1.500 đến 2.000 tấn rau an toàn.
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 25km, nên xã Tráng Việt và nhất là thôn Đông Cao có nhiều cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn như Hà Nội. Hiện nay, Đông Cao cung cấp khoảng 20% sản lượng rau an toàn cho thành phố và các tỉnh lân cận, với 27 đến 30 nghìn tấn/năm.
Cũng là người trồng rau lâu năm tại thôn Đông Cao, ông Nguyễn Văn Chiểu nói: "Nhờ trồng rau, kinh tế của các hộ dân trong thôn khá giả hơn trước. Rau ở đây được bà con trồng quanh năm nhưng vụ Tết thường được mùa, được giá. Bình quân, các hộ trồng rau thu 2-3 triệu đồng/ngày trong thời gian cận Tết. Hy vọng năm nay cũng đạt thu nhập tương tự do cây trồng phát triển tốt".
Các loại rau thế mạnh của Mê Linh là củ cải, cà chua, cải ngồng... và trong số này, có đến 100 ha luôn được các hộ dân thâm canh trong chín tháng mỗi năm. Từ tháng 5 đến tháng 8 do thời tiết nắng nóng, người dân chỉ trồng các loại cây dây leo như: bầu bí, mướp đắng, lặc lè…
Ông Đàm Văn Đua Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt cho hay, hợp tác xã có khoảng 200ha rau củ, quả, với khoảng 800 hộ tham gia sản xuất. Nông dân Đông Cao sản xuất quanh năm, nhưng vụ Đông là vụ sản xuất chính, bởi thời tiết rất phù hợp để cây rau sinh trưởng, phát triển mạnh và cho năng suất cao.
Đặc biệt, nhiều năm qua, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường, được tiêu thụ tại một số siêu thị, cửa hàng, bếp ăn tập thể trong và ngoài thành phố Hà Nội, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
"Nhờ sản lượng và giá cả ổn định, người nông dân thôn Đông Cao có thể thu nhập từ 300 đến khoảng 500 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, vươn lên khá giả", ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt chia sẻ.
Hiện nay, thôn Đông Cao có diện tích gieo trồng hơn 300 ha, trong đó có 134 ha được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.