13 năm tìm cách xin trẻ rời lưng mẹ
13 năm trước, cô Hảo về công tác tại Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ngôi trường mầm non này cách trung tâm tỉnh lị Sơn La 80km nhưng di chuyển mất cả ngày vì đường sá khó khăn. Bà con Phiêng Cằm trồng cây ngô cây lúa cũng không biết bán cho ai. Lũ trẻ H'Mông không đi học mầm non, lẽo đẽo theo chân mẹ đi rẫy vài ba tháng mới về nhà một lần.
Trường mầm non Phiêng Cằm có 1 điểm trường chính và 10 điểm trường lẻ nằm ở 19 bản. Sau 13 năm, con đường vào điểm trường chính đã được đổ bê tông. Bà con bán được bắp ngô, củ sắn, đời sống khá lên.
Vài năm trở lại đây, cô Hảo không còn phải leo cả chục quả đồi mỗi ngày để đến từng nhà thuyết phục những người mẹ gửi con đến trường nữa.
Thậm chí, đợt rét kỷ lục vừa rồi, Sơn La cho học sinh nghỉ học tránh rét mà các bà mẹ vẫn xin cho con được đi học.
Trẻ ở nhà lại đi lang thang, nghịch đất nghịch đá trên những ngọn đồi lộng gió, áo quần chẳng có, mặt mũi tay chân lấm lem. Trẻ đi học có chăn ấm để đắp, có quần áo ấm để thay, có cơm nóng canh hổi để ăn.
Từ ngày về Phiêng Cằm, cô Hảo tìm mọi cách kết nối với các đoàn từ thiện để xin đồ dùng, sách truyện, áo ấm cho lũ trẻ. Cùng với các chính sách của nhà nước hỗ trợ trẻ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở Phiềng Cằm ngày càng cải thiện.
Bữa ăn đầy đủ hơn, phòng học khang trang hơn, bỏ dần những nhà lán. Tuy nhiều điểm trường lẻ xa xôi vẫn khó khăn đi lại, đường đất trơn trượt, nhưng phòng học đã đủ và có cả nhà nội trú tươm tất cho giáo viên.
Cô Hảo tâm niệm, không gì thuyết phục được những người mẹ H'Mông gửi con tốt hơn việc cho họ thấy con họ được chăm sóc như thế nào.
3-4 năm trước, cô Hảo quyết định mở lớp nhà trẻ. Mở lớp nhà trẻ là điều không dễ dàng vì người mẹ H'Mông giữ tập tục mang con trên lưng đi rẫy. Những đứa trẻ nói còn chưa sõi, đi còn chưa vững, không biết tiếng Kinh, làm sao họ có thể tin cậy giao chúng cho ai.
Nhưng cô Hảo vẫn quyết tâm đi chiêu sinh. Cô lại đi từng nhà trò chuyện, vận động như 13 năm trước, ngày mới về Phiêng Cằm. Ban đầu các bà mẹ đều lắc đầu từ chối. Cô Hảo kiên trì theo đuổi, đón được vài bé cũng mở lớp.
"Nhìn những đứa trẻ bé tí xíu lúc lỉu trên lưng mẹ, nhìn những bà mẹ ẵm con trước, địu con sau đi lên núi rồi mất hút cả một vụ mùa mới đem chúng trở về nhà, tôi không đành lòng.
Mở lớp nhà trẻ thì xác định sẽ vất vả. Trẻ ở độ tuổi chưa tự lập trong sinh hoạt, còn phải vệ sinh, phải đút ăn, phải bế ẵm dỗ dành. Trẻ không biết tiếng cô, cô không biết tiếng trẻ. Nhiều khi trẻ khóc vì nhớ mẹ và không hiểu cô cũng khiến cô bất lực khóc theo", cô Hảo chia sẻ.
Nhưng vượt qua được giai đoạn đầu thì trẻ vui, khỏe và cô cũng nhàn hơn. Những người mẹ thấy con đi học bụ bẫm, sạch sẽ, biết nói biết hát, lại được hưởng chế độ của nhà nước thì rất yên tâm.
Đến nay, trường cô Hảo đã tuyển sinh được 141 trẻ ở độ tuổi 18-36 tháng.
Những cái Tết không quà bánh
Người đồng bào ở vùng cao không có phong tục tặng quà Tết. Truyền thống "mùng Ba tết thầy" không hiện diện ở đây. Vì thế cô Hảo bật cười khi được hỏi đến quà Tết của các cô giáo ở Phiêng Cằm. "Ở đây chỉ có chơi Tết, chơi xuân thôi", cô Hảo nói.
Để chơi xuân cùng các con, các thầy cô giáo tại mỗi điểm trường Phiêng Cằm đều tổ chức một lễ hội. Ngày này, bố mẹ mang lá dong, tre nứa, gạo nếp, đỗ lạc, rau củ đến trường. Người cắt lá, người chẻ lạt, người giã bánh giày, người gói bánh chưng, bánh gù. Rồi cũng mở các gian hàng, cho các con bán hàng như một phiên chợ vùng cao.
"Các cô vừa làm lễ hội theo đúng phong tục của người dân địa phương, vừa khéo léo pha trộn phong tục của các miền để các con được trải nghiệm văn hóa đa dạng, hiểu biết hơn, sau này trưởng thành đi muôn nơi sẽ không còn bỡ ngỡ', cô Hảo cho hay.
Cô Hảo tâm sự, nhiều năm nay giáo viên ở đây luôn có một cái Tết yên vui. Yên vui vì không phải lo ra Tết đến từng nhà xin được đón trẻ rời lưng mẹ nữa.
Nhiều trẻ đến trường đúng lịch học, nhiều trẻ đến trễ vài ba ngày. Lớp học đầu năm mới thường không đạt sĩ số 100% nhưng không có trẻ bỏ học. Các cô biết rằng người đồng bào vẫn mải đi chơi xuân và mang theo những đứa trẻ.
Hội xuân tàn, tiếng khèn xa dần, tiếng đàn môi tắt dần là những người mẹ lại dẫn con đến trường, vui cười trao tay cho cô giáo để lên nương.