Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà hồi phục. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 22 USD, lên 3.220 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 19 USD, lên 3.115 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 2,50 cent, lên 190.70 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 2,75 cent, lên 187,85 cent/lb, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch “khủng”, hiếm thấy.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng với mức điều chỉnh tăng 200 đồng/kg. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 77.800 - 78.900 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 77.800 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai và với giá 78.500 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk có giá là 78.600 đồng/kg và tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 78.900 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương.
Theo các nhà quan sát, giá cà phê Arabica đảo chiều hồi phục nhờ sức kéo từ sàn London và DXY sụt giảm trở lại trong rổ tiền tệ mạnh đã hỗ trợ các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường tăng mua. Tuy nhiên, sự không chắc chắn của thị trường liên quan đến các bước tiếp theo trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn được giữ ở mức cao đã củng cố sức mạnh của “đồng bạc xanh” và hỗ trợ hầu hết giá cả của các sàn hàng hóa nói chung.
Báo cáo khối lượng giao hàng chậm trễ từ cảng Santos lên tới 85% trong tháng 1. Theo Cecafé, các chuyến hàng thường xuyên bị trì hoãn và các bãi chứa đầy container tại các bến cảng, gây khó khăn cho việc nhận hàng do thiếu không gian “bến bãi” để tập kết hàng chờ lên tàu. Cảng Santos là điểm vận chuyển chính cà phê Brazil cho thị trường nước ngoài. Thông qua bến cảng chính của São Paulo, 28,15 triệu bao cà phê 60 kg/bao đã được giao trên tàu, tương đương 71,7% tổng số. Tiếp theo là các cảng Rio de Janeiro, chiếm phần còn lại 9,5 triệu bao, tương đương 24,3% tổng lượng xuất khẩu.
Liên đoàn Cà phê Quốc Gia (FNC) ở Colombia báo cáo sản lượng trong tháng 1 đạt 959.000 bao, tăng 10,48% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế sản lượng trong 4 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2023/2024 đạt tổng cộng 4.618.000 bao, tăng 26,21% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
FNC – Colombia cũng báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 1 đạt 935.000 bao, tăng 12,37% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2023/2024 đạt tổng cộng 3.889.000 bao, giảm 1,76% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
Báo cáo thời tiết thiếu mưa ở Brazil có thể làm giảm sản lượng vụ mùa năm nay là mối quan tâm hàng đầu của giới thương nhân, do là năm cây cà phê Arabica cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”. Kể cả khi sản lượng của Colombia đang có sự cải thiện rõ rệt sau kết quả yếu kém của năm ngoái.
Giá cà phê Robusta sàn London tiếp tục có sự hỗ trợ từ dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE – Europe hôm qua, thứ tư ngày 7/2 đã giảm thêm 1.410 tấn, tức giảm 5,17% so với ngày trước đó, xuống ở mức 25.840 tấn (khoảng 430.667 bao, bao 60 kg) mức thấp kỷ lục mới.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), những ngày giữa tháng 1/2024, giá cà phê Robusta tiếp tục tăng mạnh. Căng thẳng ở Biển Đỏ có thể tác động tiêu cực đến lạm phát và lãi suất toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhu cầu cà phê Robusta cao tác động tích cực lên giá. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.
Theo ICO, nhu cầu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 đạt 10,4 triệu tấn, phần lớn được bù đắp từ tồn kho vụ cũ. Sự gián đoạn nguồn cung bất kỳ sẽ khiến giá cà phê tăng vọt.